Khi Đức ve vãn Nga

Thứ sáu, 28/03/2014 11:25

(Cadn.com.vn) - Đức là một trong số những nước ở Châu Âu lên án việc Crimea sáp nhập Nga và cảnh báo sẽ có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nếu Điện Kremlin làm vậy. Có thể thấy, cuộc khủng hoảng ở Crimea làm nổi lên những sóng gió trong quan hệ giữa Nga với các nước Liên minh Châu Âu (EU). Đức ban đầu vẫn chủ yếu nêu cao các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề này.

Nhưng sau đó, có lẽ, trước sức lôi kéo của Mỹ và các đồng minh EU, Berlin không ngần ngại chỉ trích Moscow, để lộ mối quan hệ rạn nứt lần đầu tiên giữa hai quốc gia thân thiết trong nhiều năm qua. Giờ đây, khi mọi việc của Crimea đã đi vào quỹ đạo vốn có của nó, tức là đã trở thành một phần lãnh thổ hoàn toàn thuộc về Nga theo đúng tiến trình pháp lý, Berlin lại đang muốn dịu giọng và làm lành với Moscow.

Không vì thế mà Thủ tướng Đức Angela Merkel - vốn không ngừng chỉ trích Tổng thống Putin - tuyên bố, Berlin không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế đối với Nga, thay vào đó phải đi đến một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Thủ tướng Merkel hy vọng, tình hình hiện nay ở Ukraine sẽ giảm căng thẳng và có thể tránh áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Ngay trước bài phát biểu của Thủ tướng Merkel, tại cuộc gặp với Tổng thống Putin, Chủ tịch tập đoàn khổng lồ Siemens của Đức Joe Kaeser cũng tuyến bố sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở Nga.

Đức còn tỏ ra rất thân thiện khi Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier tuyên bố “thế giới thật sự rất cần Nga”. Theo ông này, những vấn đề quốc tế nghiêm túc không thể giải quyết thành công nếu không có Nga. “Moscow là hàng xóm của chúng tôi ở phía Đông và sẽ vẫn là như thế. Thiếu Nga sẽ không thể đạt tới thành công trong việc giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Syria hay vấn đề hạt nhân Iran”, ông này nói. Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng, Đức cần duy trì tiếp xúc gần gũi với Nga. Khi nói về khả năng xảy ra “Chiến tranh lạnh” mới, ông Steinmeier tuyên bố, chẳng ai mong nó xảy ra.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt Nga mới dừng ở cấp độ hai, đó là hạn chế đi lại và phong tỏa tài khoản. Không những vậy, vòng vây của phương Tây đang dần bị phá vỡ khi Thụy Sĩ quyết định không áp đặt trừng phạt Nga vì Moscow mà chỉ  muốn tìm “sự cân bằng” giữa luật pháp quốc tế và các lợi ích của Thụy Sĩ.

Thiết nghĩ, đó cũng là suy nghĩ và hành động đúng đắn.

Thanh Văn