Khi “hai ông lớn đại chiến"...

Thứ hai, 09/07/2018 08:30

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra. Thật đáng lo ngại khi cuộc chiến này thậm chí đang đứng trước nguy cơ leo thang lớn hơn nữa, một động thái tất nhiên sẽ gây tổn hại lớn cho hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này. Nhưng vẫn đề lo ngại hơn nữa là chính nó có thể làm suy yếu đầu tư, làm giảm chi tiêu, làm xáo trộn thị trường tài chính và làm chậm nền kinh tế toàn cầu.

Trận chiến nổ ra sau thời gian nửa đêm 5-7, khi chính quyền Trump áp đặt mức thuế 25% với tổng giá trị 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Bắc Kinh nhanh chóng trả đũa bằng các khoản thuế đối với các sản phẩm của Mỹ. Trung Quốc thậm chí cáo buộc Mỹ khai hỏa “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” và đang “tự bắn vào chân mình”. Trên thực tế, các doanh nghiệp Mỹ và cuối cùng, người tiêu dùng có thể sẽ phải trả nhiều hơn cho các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất như thiết bị xây dựng và các máy móc khác. Và các nhà cung cấp đậu tương, thịt heo và whisky của Mỹ có thể mất đi lợi thế cạnh tranh ở Trung Quốc. Việc tăng thuế cũng sẽ làm chậm con tàu đầu tư kinh doanh khi các Cty chờ xem liệu chính quyền có thể đạt được thỏa thuận “ngừng chiến” với Bắc Kinh hay không.

Nhưng tất nhiên không chỉ có Mỹ bị thiệt hại. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn. Và không chỉ có Trung Quốc, các quốc gia đầu tư vào đây hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng vì thuế nhập khẩu của Mỹ. Thật ra, những mức thuế ban đầu này không gây ra thiệt hại quá nghiêm trọng cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng cuộc xung đột có thể sớm leo thang. Tổng thống Trump, người đã tự hào sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này, cho biết, ông sẵn sàng áp đặt thuế nhập khẩu lên tới 550 tỷ USD trong hàng nhập khẩu của Trung Quốc - con số vượt quá 506 tỷ USD hàng hóa mà Bắc Kinh đã chuyển sang Mỹ năm ngoái.

Và rồi, cuộc chiến thương mại này không chỉ ảnh hưởng hai bên mà còn gây thiệt hại cho nhiều quốc gia khác, nhất là các quốc gia Châu Á, trong đó đặc biệt là các nước như Hàn Quốc, Malaysia, và Singapore. Bởi đây là những quốc gia có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng.

THANH VĂN