Khi khó, tổ dân phố ra tay!

Thứ bảy, 21/08/2021 15:09

Những ngày Đà Nẵng “phong thành” chống dịch, ban điều hành các tổ dân phố như con thoi chạy đôn chạy đáo để sát cánh bên người dân trong thời điểm khó khăn. Vì người dân không ra khỏi nhà nên tổ trưởng, tổ phó, bí thư, phó bí thư chi bộ khu dân cư phải đầu tàu, phối hợp với các lực lượng khác ở cơ sở “chạy thay” với mục nhiệm vụ không để người dân thiếu thốn.

Để dân ở nhà thì mình phải… ra đường!

5 giờ sáng, ông Đinh Văn Tuấn – Tổ trưởng tổ 35, P. An Khê, Q. Thanh Khê đã dậy cầm cuốn sổ dày để rà lại danh sách những hộ dân cần cung ứng thực phẩm trong ngày. Vì là tổ dân phố có địa hình khó đi lại nhất của P. An Khê nên ông phải định hình đường đi sao cho nhanh chóng, khoa học, sớm xong việc để về tiếp tục cùng ban điều hành tổ dân phố, chi bộ khu dân cư lo những việc khác.

Ông Tuấn chuyển thực phẩm, rau củ cho người dân sáng 21-8

Đeo cái băng đỏ cho lực lượng làm nhiệm vụ vào tay, ông chạy xe máy đến nơi tập kết hàng hóa đã được chia phần sẵn, chất lên rồi phút chốc khuất vào các con hẻm nhỏ. “Tổ dân phố 87 hộ dân, một mặt gần đường, các kiệt nhỏ chạy ra gần hồ ruộng, sát bờ rào sân bay nên phải vạch lộ trình trước để vừa chuyển rau củ vừa kiểm tra việc chấp hành chống dịch của bà con. Nhiều hôm về mệt rã rời, nhưng giải quyết được nhu cầu thiết yếu của người dân để đồng lòng chống dịch là vui”, ông Tuấn tâm sự.

Ông Phạm Hữu Nghiêm, Tổ trưởng dân phố 18, P. Tân Chính, Q. Thanh Khê rau củ quả cho các hộ dân trong tổ

Gần một tuần qua, bất kể ngày hay đêm, khi những chuyến xe rau củ, gạo, mì tôm được cung ứng đến địa phương là ban điều hành tổ dân phố 11, P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu lập tức có mặt để bắt tay ngay vào việc chia phần rồi chia nhau đưa xuống tận cửa cho dân. Việc chồng lên việc, khi thì chia rau xanh, khi thì hỗ trợ xét nghiệm, mua thuốc hạ sốt, gọi hỗ trợ đưa người đi bệnh viện, việc chồng lên việc cuốn theo cả ngày. Để bà con ở yên trong nhà thì mình phải chạy nhiều hơn, có khi nhận lời cảm ơn là vui chứ cũng chẳng nhìn thấy mặt nhau. “Thôi thì dịch dã bất khả kháng, nhận nhiệm vụ trước bà con thì xắn tay áo cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ mong muốn người dân bình an, yên tâm ở nhà để chống dịch. Mong bà con vững tin, đồng lòng đến khi nào toàn thành phố đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường”, ông Cao Tất Dũng – Tổ trưởng tổ dân phố 11 vui vẻ chia sẻ.

Ban điều hành… “rau củ, bỉm sữa”

Buổi sáng ngày thứ sáu toàn thành phố thực hiện không ra khỏi nhà, ông Nguyễn Văn Trung – Tổ trưởng tổ 88, chung cư 3B, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà lại “lên đơn” để có kế hoạch cung ứng cho bà con. Hôm nay ngoài rau củ, nhiều người nhờ tổ trưởng mua thêm cho ít hoa để cúng Rằm tháng Bảy. Để hạn chế tiếp xúc, tổ thống nhất cử mỗi tầng có một chị đại diện, nhanh nhẹn trong việc gom hàng, chia hàng rồi báo cáo con số cuối cùng về cho tổ trưởng. Khi hàng được chuyển về, cũng chính những chị này chia ra cho bà con theo đơn đã “order”. Nếu hàng ít, đích thân ông Trung đi mua tại các cửa hàng được phép hoạt động và vận chuyển về bằng xe máy. Lượng hàng nhiều sẽ huy động ô tô của cư dân trong chung cư hỗ trợ.

Khi hàng hóa quá nhiều, ông Trung “trưng dụng” xe anh em trong chung cư để chở về phân chia, cung ứng cho bà con

Ông Trung kể, những ngày đầu việc cung ứng rau củ cho người dân trên địa bàn toàn quận rất khó khăn do nguồn cung khan hiếm, phương án còn bị động do phong tỏa, nhiều người bức xúc quá phản ánh này nọ, thậm chí buông lời nặng nề với tổ trưởng. Lúc đầu cũng buồn, nản lắm nhưng rồi bỏ ngoài tai để chăm lo cho bà con, dần dần rồi mọi người cũng hiểu. “Khi mọi hoạt động bị hạn chế thì trăm dâu đổ đầu tổ trưởng. Từ rau củ cho người lớn đến bỉm sữa, thuốc men cho trẻ con, phụ nữ. Tổ trưởng phải là người chịu được áp lực, cả về chân tay cũng như chuyện chín người mười ý. Không vì cái chung thì chắc chẳng ai nhận “chức” tổ trưởng này cả”, ông Trung tâm sự.

11 giờ trưa nắng như đổ lửa, chiếc xe kéo chở theo “tình yêu thương” là những phần rau, củ, quả do P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn cung ứng cho người dân tại tổ 36, 37, 38 cập bến. Ông Lê Văn Luôn - Bí thư Chi bộ khu dân cư là một trong những thành viên của Tổ COVID-19 cộng đồng cùng các tình nguyện viên phải gác giờ nghỉ trưa để phân chia rau củ theo tiêu chí “công bằng, chất lượng” đến với gần 221 hộ dân của khu vực. Qua lớp cửa mở hé, hạn chế tiếp xúc, mọi người vui vẻ nhận quà và không quên gửi lời cảm ơn đến những người đi vác tù và hàng tổng.

Ông Luôn ngồi cùng xe tải nhỏ đi phát nhu yếu phẩm cho người dân

Ông Luôn cho biết, P. Hòa Hải vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn, gia đình chính sách nằm xa khu dân cư, điều kiện kinh tế vất vả. Không ít trong số đó là người già yếu, bệnh tật, gia đình có con nhỏ, trẻ sơ sinh. Thấu hiểu được hoàn cảnh của bà con, hàng ngày, tổ trưởng, bí thư chi bộ thường xuyên thăm hỏi, động viên, nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. “Với những trường hợp ốm, đau, bệnh tật, gia đình có con nhỏ khi được yêu cầu mua thuốc, bỉm tã, sữa,... các tình nguyện viên trong tổ COVID-19 cộng đồng tận tình hỗ trợ tận nơi. Không chỉ là chuyện rau củ đâu, để người dân yên tâm ở nhà, anh em phải chấp nhận đi mua sắp giúp bà con cả những thứ nhìn rất “bếp núc”, không có là không được”, ông cười hiền.

Rau củ được Ban điều hành tổ dân phố 88 , P. Nại Hiên Đông phân chia, tập kết để cung cấp cho người dân chung cư 3B

Lúc thành phố khó khăn nhất, lực lượng nhân sự cơ sở mà cụ thể ở đây là Ban điều hành tổ dân phố, chi bộ khu dân cư, đoàn thanh niên, phụ nữ, ban công tác mặt trận… đã thể hiện vai trò của mình đối với cộng đồng. Cũng đã xuất hiện ý kiến chê trách, thậm chí bức xúc cho rằng bị tổ dân phố “bỏ rơi” không hỗ trợ thực phẩm hay nhận được rau củ thì dập nát. Khách quan mà nói, tại một số nơi, vì được người dân quá tín nhiệm nên nhiều tổ trưởng dân phố dù đã cao tuổi, đi lại khó khăn vẫn chưa được nghỉ. Ngày bình thường họ rất trách nhiệm và tâm huyết, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh mà nhiều công việc được liên lạc, trao đổi trên điện thoại thì họ không thể thích ứng được. Đi lại trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc cũng trở nên khó khăn. Đây là nguyên nhân của sự chậm trễ đã xảy ra ở một số tổ dân phố, đặc biệt là trên địa bàn phong tỏa cứng.

 

Ông Huỳnh Trí Đức - Tổ trưởng dân phố 4, P.Chính Gián, Q. Thanh Khê xếp rau củ lên xe để chở đến tận nhà cho dân

“Nghĩ vậy, nói vậy tội cho chúng tôi. Vì hoàn cảnh khách quan thôi chứ chẳng ai muốn chậm trễ khi dân thiếu thốn cả. Bó rau vài cọng úa, trái bí có chỗ dập là do vận chuyển qua nhiều khâu. Tổ trưởng có khi chia xong phải lấy phần dở nhất. Với mức phụ cấp 700 nghìn/tháng, chỉ có người thực sự tâm huyết mới nhận, lấy công việc làm vui thôi. Mong bà con đừng nặng nhẹ trong hoàn cảnh này, chia sẻ cùng nhau để vượt qua khó khăn”,  Nguyễn Văn Trung – Tổ trưởng tổ 88, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà tâm sự.

Công Khanh – Ngọc Quốc