Khi lời xin lỗi…

Thứ ba, 13/12/2016 09:45

(Cadn.com.vn) - Mỹ đã không yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra lời xin lỗi khi ông dự định có chuyến thăm lịch sử đến Trân Châu Cảng vào cuối tháng 12 này. Điều tương tự được lặp lại bởi Tokyo cũng đã không yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama làm như vậy trong chuyến thăm Hiroshima lịch sử của ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 5. Có phải bạn bè là như thế?

Thủ tướng Abe sẽ đến thăm Đài tưởng niệm Trân Châu Cảng, trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên làm như vậy kể từ sau trận chiến kinh hoàng ở đây. Tại Trân Châu Cảng lần này, ông Abe cùng với Tổng thống Obama, sẽ đến Arizona Memorial USS và tưởng niệm các nạn nhân cuộc tấn công đẫm máu do Nhật gây ra 75 năm trước.

Hình ảnh này rõ ràng gợi nhớ việc Tổng thống Obama đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima hôm 27-5 vừa qua, hình ảnh của vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố của Nhật từng bị Mỹ thả bom nguyên tử vào tháng 8-1945. Tổng thống Obama không sử dụng chuyến thăm đó để xin lỗi về việc Mỹ lần đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh. Nhưng hành động của nhà lãnh đạo Mỹ đã nói lên tất cả. Ông thân mật ôm một trong những nạn nhân may mắn còn sống sót của vụ thả bom, một cái ôm đầy chia sẻ và thấu hiểu. Đối với hầu hết người Nhật, những cử chỉ này đã nói lên nhiều điều hơn so với bất kỳ lời xin lỗi nào.

Và cũng giống như vậy, ông Abe sẽ không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi chính thức nào trong chuyến thăm Trân Châu Cảng. Nhưng trong sự im lặng đó, bản thân chuyến thăm của ông đã nói lên tất cả. Hai sự kiện lịch sử đẫm máu nhất của Thế chiến II. Hai cách hàn gắn đầy thực tế. Với những chuyến thăm như thế này, Nhật và Mỹ đã thể hiện cho cả thế giới thấy rằng, họ không chỉ vượt qua bóng ma chiến tranh, trở thành đồng minh thân thiết mà còn thấu hiểu hơn thế nữa. Với người Mỹ, họ hy vọng chuyến thăm của ông Abe sẽ là “minh chứng rõ ràng nhất rằng, ngay cả những kẻ thù ghê gớm nhất cũng có thể trở thành đồng minh thân cận nhất của nhau”.

Nếu ai đã từng xem bộ phim kinh điển của Hollywood “Yêu là không bao giờ phải nói hối tiếc”, thì có thể hiểu được phần nào mối quan hệ Nhật-Mỹ hiện nay. Tình cảm chân thật là sợi dây gắn kết những kẻ thù trở thành bạn bè. Và nếu ông Abe đến Đài tưởng niệm Arizona hoặc ôm một trong những người còn sống sót, chính nó đã thể hiện cho những lời xin lỗi chân thành nhất.

Thanh Văn