Khi lòng dân đã thuận

Thứ năm, 26/10/2017 09:00

Về thôn La Châu (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) trong những ngày này, ngoài các câu chuyện người nông dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình kinh tế bền vững, cải thiện nguồn thu nhập; chúng tôi còn biết việc hiến đất làm đường, nâng chất tiêu chí giao thông nông thôn hiện nay cũng đang được bà con nơi đây sôi nổi bàn tán. Chưa bao giờ người dân La Châu cảm thấy phấn khởi như thế, bởi ai cũng ý thức được rằng, mở rộng đường giao thông chính là cơ hội làm thay đổi bộ mặt quê hương mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Anh Trà Đức - Trưởng thôn La Châu chia sẻ: “Lúc đầu lo lắm, vì đất đai là miếng cơm manh áo của bà con, trong khi thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo, khó khăn. Vậy mà chẳng cần vận động nhiều, chỉ nghe về chủ trương, ý nghĩa của con đường, bà con đã hồ hởi đồng lòng hưởng ứng. Vì thế, chỉ sau 2 ngày ra quân, tuyến đường trục chính trong thôn đã dần lộ diện”...

Người dân La Châu tự nguyện chặt phá cây trồng, giải phóng mặt bằng mở rộng đường nông thôn.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, khi địa phương có chủ trương thi công mở rộng trục đường chính qua thôn La Châu, được tuyên truyền vận động nhân dân đã đồng tình ủng hộ, qua việc họp thôn, 140 hộ dân nằm trong chỉ giới tuyến đường dài 2,6km, rộng 7m, bê-tông kiên cố rộng 5,5m đều đồng thuận hiến đất, hiến công trình và chỉ nhận 50% tiền đền bù, hỗ trợ. Người dân hiến gần 3.200m2 đất thổ cư, hơn 7.000m2 đất nông nghiệp; trong đó, hộ ông Ngô Văn Xuân hiến 139m2 đất ở, ông Nguyễn Để hiến 114m2 đất ở… “Ban đầu khi họp dân triển khai chủ trương mở rộng đường cũng có nhiều ý kiến băn khoăn. Việc hiến đất thì dân thuận, song số lượng công trình tường bao kiên cố, cây trồng lâu năm phải phá bỏ để làm đường là rất nhiều. Sau khi mở đường, bà con phải đầu tư xây dựng lại… Nắm bắt tâm tư này, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, đề xuất hỗ trợ bà con một phần kinh phí tháo dỡ công trình; đồng thời làm tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc nhân dân nêu một cách có lý, có tình. Khi đã thông về tư tưởng, thì việc mở đường không còn là việc khó. Đến nay, tuy chưa nhận được sự hỗ trợ nào, nhưng bà con đã tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, chặt phá cây trồng giải phóng mặt bằng” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Trí cho biết thêm.

Được biết, trong chiến tranh chống Mỹ, La Châu là vành đai trắng, phần lớn các gia đình trong thôn đều có công với cách mạng nên ai cũng cảm nhận rằng có được giá trị của cuộc sống hôm nay đã phải đánh đổi biết bao xương máu. Cho nên, các phong trào thi đua yêu nước của thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, tất cả các gia đình chính sách không những tiên phong tham gia mà còn tích cực vận động con cháu, người dân xung quanh hưởng ứng. Nhiều cụ già trong thôn tâm sự, đường làng xưa nay vốn nhỏ, hẹp thích ứng với nhu cầu dân sinh đơn giản, hiện cần mở mang thông thoáng để phục vụ sản xuất lưu thông. Hiến đất cũng tiếc vì nhờ nó, người nông dân bớt đi một phần lo toan, nhưng nghĩ đến cảnh con cháu đi học,bà con mua bán phải đi lòng vòng nên chẳng ai nề hà thiệt hơn. Khi có đường mới, thôn quê sẽ khang trang, phát triển hơn… “Ngày xưa chúng tôi không quản chiến đấu, hy sinh để giữ từng tấc đất thì ngày nay có xá gì vài mét đất để cho đường làng thông thoáng. Khi lòng dân đã thuận, sẵn sàng hiến đất chỉ với suy nghĩ rất giản đơn, có đường tốt, đời sống của người dân nhất định sẽ thay đổi. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn sẽ từng bước được đẩy lùi” - bà Lê Thị Hơn chân tình bộc bạch.

VY HẬU