Khi Mỹ “gây sốc” cho Hồng Kông
Bối cảnh chính trị hiện nay cho thấy, chính phủ Mỹ có thể sẽ sớm chấm dứt mối quan hệ kinh tế và thương mại đặc biệt với Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), đẩy quan hệ hai bên xuống bờ vực thẳm. Và các chuyên gia cho rằng, việc này sẽ không ngay lập tức làm bùng nổ cuộc di cư của các Cty lớn của phương Tây ra khỏi trung tâm tài chính toàn cầu này, nhưng có thể làm xói mòn hình ảnh vốn rất hấp dẫn của Hồng Kông.
Hồng Kông được đánh giá là trung tâm tài chính cấp độ thế giới như London và New York. Ảnh: CNN |
Đe dọa tình trạng thương mại đặc biệt
Cú đánh mới nhất vào danh tiếng của trung tâm tài chính này xảy ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 28-5 cho biết, nước này không còn coi Hồng Kông là vùng lãnh thổ tự trị. Đây là một tuyên bố mang tính lịch sử, có khả năng gây ra những hậu quả sâu rộng cho trung tâm tài chính này.
Tờ SCMP dẫn lời chuyên gia phân tích Terry Haines đánh giá, hành động của Ngoại trưởng Pompeo là bước ngoặt lớn đối với Hồng Kông và là “dấu hiệu mạnh mẽ thể hiện sự bất mãn của chính phủ Mỹ”. Tiếp sau tuyên bố này, nhiều chuyên gia cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải ra quyết định hành động và có thể đe dọa tình trạng thương mại đặc biệt của thành phố này.
Nếu Mỹ hủy bỏ tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông, điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ chấm dứt những chính sách đối đãi về thương mại và kinh tế có lợi mà Hồng Kông đang hưởng lâu nay, vốn góp phần xây dựng nơi này trở thành trung tâm hành chính và thương mại trong khu vực. Do đó, một số nhà phân tích và thành viên cộng đồng doanh nghiệp Hồng Kông lo ngại, việc thay đổi tình trạng từ phía Mỹ sẽ ảnh hưởng mạnh tới người dân Hồng Kông.
Tuy nhiên, theo ông Haines: “Dự kiến, tiếp sau đây, Quốc hội Mỹ sẽ hậu thuẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực hơn nữa đối với vấn đề tự trị của Hồng Kông nhưng sẽ chưa ép buộc chính quyền Trump phải có hành động hoặc trừng phạt ngay”.
Bắc Kinh, Hồng Kông cùng cảnh báo
Trong động thái mới nhất, chính quyền Hồng Kông cảnh báo, việc Mỹ hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với đặc khu này cũng gây thiệt hại cho lợi ích của Washington. Chính quyền Hồng Kông cũng kêu gọi Mỹ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và đặc khu này, tiếp tục duy trì chính sách kinh tế thương mại đối với Hồng Kông.
“Bất cứ biện pháp trừng phạt nào cũng là “con dao hai lưỡi”, không chỉ tổn hại đến lợi ích của Hồng Kông mà còn tổn hại đáng kể lợi ích của Mỹ”, Reuters ngày 29-5 dẫn tuyên bố của chính quyền Hồng Kông nhấn mạnh. Trong tuyên bố khác, lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga kêu gọi người dân “chung tay thực hiện giấc mơ, gạt sang một bên các khác biệt”. Theo tuyên bố, từ 2009-2018, thặng dư thương mại giữa hai bên là lớn nhất trong tất cả các đối tác của Washington, với tổng cộng 297 tỷ USD hàng hóa. Có khoảng 1.300 Cty Mỹ đang hoạt động tại Hồng Kông. Theo số liệu công bố, năm 2018, thặng dư thương mại với Hồng Kông là mức thặng dư lớn nhất của Mỹ, đạt 31,1 tỷ USD.
Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 29-5 ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ từ bỏ các mưu đồ chính trị liên quan tới vấn đề Hồng Kông. “Bằng việc yêu cầu một cuộc họp về vấn đề này tại HĐBA LHQ, Mỹ đã can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức ngừng các mưu đồ chính trị này”, ông Triệu Lập Kiên nói và cảnh báo “nếu Mỹ cứ nhất quyết can thiệp, Trung Quốc sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết”.
Chỉ mang tính biểu tượng?
Theo AFP, mọi việc sẽ phụ thuộc vào việc Tổng thống Trump sẽ làm gì tiếp theo. Việc thu hồi quy chế tự trị có thể làm thay đổi căn bản vận mệnh của một thành phố từng là cửa ngõ kinh tế của Trung Quốc với thế giới trong hàng chục năm qua, nếu các biện pháp trừng phạt, những hạn chế thương mại và thuế quan được áp đặt.
“Ông ấy có thể thay đổi chính sách thuế đối với Hồng Kông để giống với chính sách thuế đối với Trung Quốc, hoặc ông ấy có thể thay đổi cách thức đối đãi với Hồng Kông theo luật kiểm soát xuất khẩu để khiến việc xuất khẩu công nghệ cao trở nên khó khăn hơn... hoặc ông ấy có thể làm cả hai điều đó”, Julian Ku, một chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Hofstra, nói với AFP. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn và mọi chuyện cuối cùng cũng có thể chỉ là một động thái mang tính biểu tượng.
Trên thực tế, chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Trump luôn thay đổi trong suốt những năm ông nắm quyền. Tổng thống Trump có quan điểm cứng rắn chống lại Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại, nhưng ông từng có những phát biểu thân thiện về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng ông Trump cũng không muốn gây tổn hại tới thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trong bối cảnh ông đang nỗ lực để tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Ngoài ra, nếu làm mạnh, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là chưa kể đến khả năng rất lớn là Bắc Kinh sẽ hành động mạnh mẽ hơn và trả đũa.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ không lập tức đưa ra các lệnh trừng phạt hoặc những hành động khác với Hồng Kông và vẫn còn cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng tại chảo lửa này.
KHẢ ANH
Quy chế đặc biệt của Hồng Kông là gì? Trước khi Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997, thỏa thuận quy chế “Một nước, hai chế độ” đã được hình thành nhằm cho phép thành phố này duy trì một số quyền tự do nhất định và được hưởng quy chế tự trị trong 50 năm. Những quyền tự do này bao gồm: Một nền kinh tế thị trường tự do, một hệ thống tư pháp độc lập, quyền tự do ngôn luận và một cơ quan lập pháp của địa phương. Kết quả là, nhiều quốc gia- bao gồm cả Mỹ- đưa vào luật của họ những quy định cho phép đối xử với Hồng Kông như một thực thể thương mại tách biệt với Trung Quốc Đại lục. Những động thái này biến Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính cấp độ thế giới như London và New York, và giúp đặc khu này phát triển mạnh mẽ. |