TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Khi nào phải dùng phần di tặng để trả nợ?

Thứ hai, 16/10/2023 11:51
*Bạn đọc hỏi: anh Đào Hùng Trưởng, ở Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Dì tôi có lập một bản di chúc, trong đó dì để lại nhà và đất cho chồng con dì; đồng thời, dì có cho tôi một quyển sổ tiết kiệm (được ghi trong di chúc là tặng cho tôi) với số tiền gốc là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nay các chủ nợ đến yêu cầu chồng con dì thanh toán khoản nợ hơn 5 tỷ đồng mà dì đã vay khi còn sống. Xin cho tôi hỏi, chồng và con của dì tôi có nghĩa vụ trả nợ thay cho dì tôi không? Tôi có nghĩa vụ phải trả khoản vay trên cùng chồng con dì của tôi không?
Luật sư Phan Thụy Khanh
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Lập di chúc là quyền của người có tài sản mong muốn định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời. Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015, người lập di chúc có những quyền sau đây:

Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Theo đó, người lập di chúc có quyền định đoạt và di tặng di sản cho người khác. Trường hợp người để lại di sản còn những nghĩa vụ thanh toán chưa hoàn thành, luật quy định thế nào? Về vấn đề này, Điều 658 Bộ luật Dân sự quy định như sau:

“Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

5. Tiền công lao động.

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

9. Tiền phạt.

10. Các chi phí khác.”

Từ quy định nêu trên, áp dụng vào trường hợp của anh Trưởng thì di sản của dì anh sẽ được dùng để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán lần lượt theo thứ tự ưu tiên: chi phí mai táng cho người dì này, tiền cấp dưỡng mà người dì có nghĩa vụ thực hiện, chi phí bảo quản di sản (nếu cần), trợ cấp cho người sống nương nhờ người dì, tiền công lao động người dì phải trả cho người lao động, tiền bồi thường thiệt hại, thuế và các khoản phải nộp khác (nếu có). Sau khi thực hiện lần lượt các nghĩa vụ này, phần di sản còn lại sẽ được dùng để trả các khoản nợ của người dì, cụ thể ở đây là khoản nợ 5 tỷ đồng. Chồng và các con của dì anh Trưởng phải dùng di sản để thanh toán khoản nợ này và các nghĩa vụ khác liên quan đến khoản nợ như tiền phạt, tiền bồi thường (nếu có).

Trong trường hợp toàn bộ di sản của dì anh không đủ để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nêu trên, thì những người thừa kế của dì anh có phải dùng tài sản của mình để tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ này không? Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.

Như vậy, những người hưởng thừa kế là chồng và con của dì ảnh Trưởng chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán của dì trong phạm vi giá trị di sản mà dì để lại, trường hợp di sản không đủ để thực hiện các nghĩa vụ thì những người thừa kế cũng không phải dùng tài sản riêng của mình để tiếp tục thực hiện.

Còn đối với người được di tặng di sản, quyền và nghĩa vụ của họ được pháp luật quy định thế nào?

“Điều 646. Di tặng

1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.

2. Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

3. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Theo thông tin anh Trưởng cung cấp, dì anh đã lập di chúc trong đó có nội dung tặng cho anh sổ tiết kiệm có số tiền gốc 500 triệu đồng. Căn cứ khoản 3 Điều 646 vừa nêu, anh không có nghĩa vụ dùng tài sản được dì của anh tặng là sổ tiết kiệm 500 triệu đồng để thực hiện nghĩa vụ tài sản của dì anh, cụ thể là cùng trả số nợ 5 tỷ đồng, trừ trường hợp toàn bộ di sản của dì anh không đủ để thực hiện việc trả nợ.

Như vậy, nếu chồng và các con của dì anh Trưởng đã dùng hết di sản vào việc thực hiện thanh toán các nghĩa vụ cũng như trả nợ và đã trả đủ thì anh không phải dùng số tiền trong sổ tiết kiệm được di tặng để trả nợ. Trường hợp chồng và các con của dì anh dùng toàn bộ di sản được hưởng thừa kế để thanh toán nhưng vẫn chưa thanh toán hết, anh Trưởng có trách nhiệm dùng phần di tặng của mình để thanh toán các nghĩa vụ này.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425