Khi người giàu càng giàu...

Thứ ba, 20/01/2015 08:08

(Cadn.com.vn) - Công bố việc 80 người giàu nhất thế giới hiện nay đang nắm giữ hơn 50% của cải toàn thế giới của Oxfam là minh chứng cho thấy, khoảng cách bất bình đẳng giàu – nghèo đang ngày càng gia tăng.

1% siêu giàu thâu tóm 50% của cải

CNN ngày 19-1 dẫn nghiên cứu mới nhất của Tổ chức từ thiện chống đói nghèo Oxfam cho thấy, 1% số người siêu giàu sẽ sớm sở hữu hơn 50% tài sản của toàn thế giới. Theo nghiên cứu, 1% người giàu nhất thế giới tăng từ 44% trong năm 2009 lên 48% vào năm 2014. Và theo xu hướng này, chậm nhất là đến năm 2016, của cải trong tay giới siêu giàu này sẽ vượt mức 50%.

Nghiên cứu này được đưa ra ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - sự kiện hàng năm thu hút các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự - diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ. Oxfam từng gây xôn xao tại Davos năm 2014 với tiết lộ, 85 người giàu nhất thế giới có tổng tài sản bằng 3,5 tỷ người còn lại trên thế giới (chiếm 50% dân số). Tiết lộ năm nay của Oxfam còn gây bất ngờ hơn khi cho rằng, 80 người siêu giàu hiện nay có tài sản bằng 50% dân số thế giới. Theo công bố, 52% tài sản toàn thế giới hiện nay, nếu không nằm trong tay 1% giới siêu giàu thì cũng thuộc về 20% người giàu nhất thế giới. Dân số còn lại chỉ sở hữu có 5,5% của cải toàn cầu, với tài sản trung bình trong năm 2014 là 3.851 USD cho mỗi người lớn, so với con số 2,7 triệu USD/người trong giới tinh hoa siêu giàu.

Oxfam cho biết, 1% số người siêu giàu nhất thế giới sẽ chiếm hơn 50% của cải vào năm 2016 (Trong ảnh: Người vô gia cư ăn xin bên ngoài cửa hàng sang trọng ở Paris, Pháp). Ảnh: AFP

Các nước phải làm gì?

Những con số cứng nhắc này lại cho thấy thực tế đáng lo ngại, những người giàu có thực sự đang ngày càng giàu hơn và người nghèo lại càng nghèo.

Theo báo cáo, của cải tích tụ trong tay 1% người giàu nhất rồi sẽ lớn hơn tổng của cải mà phần còn lại của thế giới sở hữu, tạo khoảng cách giàu nghèo khó có thể lấp đầy. Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành quỹ Oxfam kiêm đồng chủ trì sự kiện WEF, cam kết sẽ tận dụng lợi thế của mình để yêu cầu các nước hãy cùng hành động ngăn chặn “cơn thủy triều bất bình đẳng nổi lên”, nguyên nhân khiến cuộc chiến chống đối nghèo toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

“Đây là thời điểm các nhà lãnh đạo cần nỗ lực để tạo ra thế giới công bằng và thịnh vượng hơn”, bà Byanyima kêu gọi đồng thời nhấn mạnh thêm “thất bại trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng sẽ cản trở bước tiến trong cuộc chiến chống nghèo đói kéo dài hàng thập kỷ qua”. Tổ chức từ thiện này kêu gọi các nước nhanh chóng thông qua kế hoạch 7 điểm để giải quyết vấn đề bất bình đẳng, trong đó có chính sách khẩn cấp: chống hành vi trốn thuế của các Cty và chuyển hướng tìm kiếm mức lương đủ sống cho mọi người lao động.

Một thực tế không thể phủ nhận, sự gia tăng khoảng cách giàu – nghèo chỉ khiến người nghèo 2 lần bị tổn thương. Và rồi, liệu có ai thực sự muốn sống trong thế giới mà chỉ 1% dân số lại sở hữu nhiều của cải hơn cả tất thảy những người còn lại cộng lại.

Nếu muốn thay đổi, cả thế giới chỉ còn cách, hãy hành động khẩn cấp! 

Khả Anh