Khi người mẹ làm phim về trẻ tự kỷ...

Thứ tư, 22/03/2017 10:25

(Cadn.com.vn) - Rạp Lê Độ, TP Đà Nẵng đã có một buổi chiều tháng 3 đầy cảm xúc và nước mắt trong phòng chiếu với bộ phim Jack - Trái tim đỏ. Điều đặc biệt là không chỉ được thưởng thức miễn phí phim truyện này, khán giả Đà Nẵng còn có cơ hội giao lưu với đạo diễn, nhà sản xuất của phim, bà Janet Grillo, người từng đoạt giải thưởng Emmy. Janet Grillo đến Việt Nam không chỉ với tư cách 1 nhà làm phim mà còn chia sẻ với vai trò là 1 người mẹ trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ.

Đạo diễn Janet Grillo (giữa) rất bất ngờ khi nhận được những món quà được làm bởi trẻ tự kỷ ở Hội nạn nhân da cam TP Đà Nẵng. 

Chấp nhận và yêu thương

"Jack -Trái tim đỏ" là bộ phim truyện xoay quanh các vấn đề mồ côi, gia đình, tự kỷ, sự phân biệt và hòa nhập. Bộ phim kể về một cô bé vị thành niên, mất cha mẹ, chạy trốn khỏi sự quản chế của Trung tâm bảo trợ xã hội. Muốn có được công việc và nguồn thu nhập để giành quyền chăm sóc cho em gái, Jack đã đóng giả người chăm sóc có kinh nghiệm; và từ đó hình thành mối gắn kết đặc biệt với bé gái 11 tuổi mắc chứng tự kỷ. Bộ phim thể hiện những trải nghiệm đặc thù trong việc đối mặt với bệnh tự kỷ và những điều tế nhị xoay quanh nó.

Câu chuyện của phim chạm vào trái tim của người xem bởi những tình tiết được dẫn dắt tưởng như nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng đẩy đến cao trào, và mang lại thông điệp lớn: Sự chân thành, thấu hiểu mới là điều quan trọng nhất của bất cứ phương pháp giáo dục nào dành cho trẻ tự kỷ.

Khi bộ phim kết thúc và phòng chiếu Lê Độ sáng đèn, nhiều khán giả vẫn còn lặng người trong những giọt nước mắt và nghĩ suy. Janet Grillo xuất hiện và xúc động chia sẻ: Bà làm phim này với cái nhìn của người trong cuộc, một người mẹ có con trai mắc chứng tự kỷ. Người biên kịch cho bộ phim này cũng là người cô của trẻ tự kỷ. Những gì diễn ra trong phim, dù là phim truyện, mang tính hư cấu, nhưng tất cả thực sự là những gì mà trẻ tự kỷ và người thân đã phải trải qua và đối mặt. Janet Grillo tâm sự: Điều đầu tiên là tôi học cách chấp nhận. Chấp nhận con mình là trẻ tự kỷ. Nhiều người làm cha mẹ sẽ thấy rất khó khăn giữa việc họ muốn có đứa con như thế nào và việc phải chấp nhận con mình thực sự đang như thế nào. Nhưng đó là sự thật và phải chấp nhận. Chấp nhận để bắt tay vào hành động, hỗ trợ cho trẻ tự kỷ.

Có mặt tại phòng chiếu Lê Độ, một khán giả Đà Nẵng là giáo viên chăm sóc cho trẻ tự kỷ đã mong muốn Janet Grillo chia sẻ thêm những kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt này. Janet Grillo nói: Là mẹ có con bị tự kỷ, tôi không có sự lựa chọn nào khác. Còn bạn đã chọn công việc này, tôi thực sự kính phục. Trong bộ phim, như những chia sẻ của cha mẹ Glory (nhân vật trẻ tự kỷ trong phim), có rất nhiều phương pháp khác nhau tại Mỹ, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ là hành trình dài của sự chấp nhận, và yêu thương. Như Jack, nhân vật của phim, đóng giả người chăm sóc có kinh nghiệm, nhưng thực chất không có bất cứ hiểu biết gì về trẻ tự kỷ, và ban đầu cô đối xử với trẻ tự kỷ như 1 đứa trẻ bình thường. Nhưng cô đã đem lại được những thay đổi cho Glory bởi sự gần gũi, quan sát và thấu hiểu của mình.

Trailer phim Jack-Trái tim đỏ.

Những chia sẻ riêng tại Đà Nẵng

Với bộ phim Jack-Trái tim đỏ, đạo diễn Janet Grillo đã có hành trình đến nhiều nơi để không chỉ chia sẻ bộ phim mà còn truyền đi sự đồng cảm và sức mạnh cho con đường bước đi đầy thử thách của trẻ tự kỷ và người thân.

Tại Đà Nẵng, nữ đạo diễn Janet Grillo đã rơi nước mắt khi nghe những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng sau buổi chiếu phim. Bà Nguyễn Thị Hiền nói: "Bộ phim khiến tôi rất xúc động và học được nhiều điều để chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ tự kỷ. Nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng có nhiều em là trẻ tự kỷ, và các em đã tự tay làm nhiều món đồ thủ công. Hôm nay tôi muốn trao tặng cho bà".

Nhận được món quà của trẻ em tự kỷ tại Đà Nẵng, đạo diễn Janet Grillo cho biết bà rất tiếc vì không có nhiều thời gian ở đây để có thể đến thăm các em và bà hẹn 1 dịp khác. Tuy nhiên, vấn đề tại Đà Nẵng là vấn đề bà thực sự quan tâm, khi những ảnh hưởng của chất độc da cam khiến gia tăng chứng tự kỷ ở trẻ em. Những nghiên cứu tại Mỹ cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự kỷ, nhưng chủ yếu là do những biến đổi ở gen và một số tác động khác như ô nhiễm môi trường.Thống kê tại Mỹ cho thấy những vùng môi trường ô nhiễm nặng hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, số lượng trẻ em bị tự kỷ nhiều hơn những khu vực khác.

Janet Grillo chia sẻ thêm: Bà cũng đã làm một số phim tài liệu về trẻ tự kỷ. Trong đó có phim về câu chuyện trẻ tự kỷ tham gia tập tành và diễn xuất trong 1 buổi nhạc kịch. Bà hy vọng những khán giả Đà Nẵng và người quản lý những trung tâm về trẻ tự kỷ như bà Nguyễn Thị Hiền có thể tìm xem bộ phim này và có thêm những trải nghiệm giúp trẻ tự kỷ bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm và khả năng của mình...

"Jack - Trái tim đỏ" đã giành giải thưởng Jury Prize, giải thưởng về Phụ nữ và Đa dạng, giải thưởng Chimera về bình đẳng giới và nhiều giải thưởng khác... Tất cả những giải thưởng ấy với Janet Grillo không quan trọng bằng việc bà đã gởi gắm được trái tim của mình với mong mỏi cộng đồng xã hội chấp nhận và yêu thương trẻ tự kỷ.

Hải Quỳnh