Khi nhà giáo ôm cặp đi thi (2)

Thứ ba, 27/08/2013 10:20

Khi nhà giáo ôm cặp đi thi

* Kỳ cuối: "Vật vã" để đạt chuẩn

(Cadn.com.vn) - “Bò lăn” ra mà học để đạt chuẩn Châu Âu. Đó là cách nói của một số GV đang đào tạo tại Viện Anh ngữ Đà Nẵng. Tại sao sự cầu toàn trong dạy và học ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu lại không bắt đầu từ những thế hệ trẻ nhất?

Ám ảnh kỳ thi FCE

Cuối năm 2012, Sở GD & ĐT TP Đà Nẵng đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh cho GV tiếng Anh các cấp. Một cuộc hội thảo (31-1-2013) đã được tổ chức giữa Viện Anh ngữ Đại học Đà Nẵng - Đại học Queensland (UD-UQ ELI), Cambridge ESOL Việt Nam và Sở GD& ĐT Đà Nẵng. Mục đích của hội thảo lần này nhằm phục vụ cho kỳ thi sát hạch lấy chứng chỉ FCE quốc tế (tương đương với cấp độ B2 theo CEFR) của 160 GV đang theo học. Trong lần “vượt cạn” đó, số GV đạt B2 chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí vài người rớt 2 bậc, xuống A2. Lý giải cho hiện tượng này, một nhóm GV tại Đà Nẵng than thở, giáo trình quá khó, ngại nhất là môn nghe (listening) và đọc (reading). Họ hoàn toàn mất khả năng hoàn thành bài thi sau khóa học kéo dài khoảng 4 tháng.

Nói thế, để thấy rằng, câu chuyện “lực bất tòng tâm” đã xảy ra. Một GV đạt chuẩn B2 bày tỏ, trình độ GV tiếng Anh hiện nay xuất phát từ hai chiều. Không chỉ do chương trình đào tạo lệch từ các trường sư phạm mà còn bị mai một trong quá trình làm việc. Đây là lỗi từ phía nhà sử dụng, lẽ ra họ phải thường xuyên đào tạo và đào tạo lại trong quá trình công tác. Đằng này, khi thấy GV yếu kém, các nhà quản lý lại “gom’ họ đi học theo đợt. Liệu sau khóa học này, việc sử dụng GV tiếng Anh trong ngành giáo dục có thay đổi hay “mèo lại hoàn mèo” ?

Không ít GV than thở với việc học này vì gặp khá nhiều rắc rối. Nhiều GV không thể thu xếp thời gian để tham gia chương trình học một cách đều đặn (2 buổi/tuần). Đặc biệt, họ vẫn phải lo công tác giảng dạy ở trường, quán xuyến việc gia đình. Ở nhiều trường, GV tiếng Anh phải dạy trên dưới 20/tiết mỗi tuần, việc đi học gây nên xáo trộn lớn. Đi học nhưng GV lại khó đầu tư cho bài vở vì không có thời gian. Có thể nói rằng, tình trạng đối phó, học lấy lệ, thậm chí bỏ học, viện lý do sức khỏe để từ chối học đã xảy ra. Một số GV vì quá “hãi” đã không tham gia khảo sát, tất nhiên, những người này không có tên trong danh sách đi học. Các cơ quan quản lý giáo dục sở tại đã có những biện pháp xử lý hành chính đối với những đối tượng này chưa ?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” cho rằng Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh tiến độ triển khai đề án.

Hạ chuẩn để chữa cháy?

Nâng cao trình độ ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân là chủ trương đúng. Tuy nhiên, với cách làm “bắt cóc bỏ dĩa”, khảo sát chất lượng rồi đào tạo lại để đạt chuẩn Châu Âu một cách vội vàng, e rằng “tiền mất, tật mang”.

Một thực trạng đáng quan tâm là trước nhu cầu cấp bách để đạt được một bậc tối thiểu trong CEFR, một số trường đại học (hoặc trung tâm ngoại ngữ) tuyên truyền là trường của họ sẽ cấp bằng B1, B2 hoặc C1 cho các học viên theo học. Điều này chưa đúng, thậm chí không theo một nguyên tắc nào cả. Theo một chuyên gia chuyên ngành tiếng Anh, chuẩn theo khung tham chiếu Châu Âu với các cấp độ như B1, B2, C1... là cách mô tả khả năng sử dụng tiếng Anh của người học chứ bản thân các cấp độ này không phải là bằng cấp hay chứng chỉ gì cả.

Muốn biết một người có đạt cấp độ nào đó, người ta phải dùng các hệ thống kiểm tra hiện hành để khảo sát. Mỗi hệ thống đều công bố chứng chỉ của họ là tương đương cấp độ nào trong chuẩn Châu Âu này. Chẳng hạn, Hệ thống Cambridge ESOL thuộc Đại học Cambridge quy định KET (A2), PET (B1), FCE (B2), CAE (C1), CPE (A2). Hệ Thống Trắc Nghiệm Anh Ngữ Quốc Tế (IELTS) đánh giá, 4.5 điểm (B1), 5.5 (B2), 6.5 (C1),...Nếu Việt Nam muốn vậy, Bộ GD & ĐT phải có một hệ thống kiểm tra thống nhất toàn quốc dựa trên những tiêu chí quốc tế cơ bản chứ không phải kiểu tổ chức thi rồi cấp bằng như một số trường đại học ngoại ngữ hiện nay.

Giải pháp hữu hiệu nào?

Hiện có nhiều quan ngại về tính khả thi của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tỉ lệ GV chưa đạt chuẩn Châu Âu ở nhiều nơi lên tới 97 - 98% đã đe dọa đến sự thành công của đề án này.

Sau khảo sát, qua những đợt bồi dưỡng, ôn luyện hàng tháng trời, những GV trình độ B1 vẫn chưa “vượt vũ môn” để đạt ngưỡng B2. Đó là chưa kể đến những người đang ở trình độ A1, A2, thậm chí chưa đạt A1 đang ôn học. Liệu rằng, phương pháp đào tạo như vậy có gây lãng phí hay không? Liên quan đến thực trạng này, TS Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng bộ phận thường trực của BQL Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020) cho biết, đề án không đặt vấn đề đào tạo trong 6 tháng hoặc 1 năm để được 100% GV đạt chuẩn. Những người có trình độ A2, A1 hoặc chưa được A1 phải tự học để đạt B1. Đề án đã bố trí rất nhiều trường đại học có chất lượng trên cả nước để bồi dưỡng, hỗ trợ GV từ B1 lên B2. Trên thực tế, Việt Nam còn đến 7 năm để hoàn tất lộ trình này.

Để đạt được mục tiêu của Chính phủ, Bộ GD & ĐT cần có một giải pháp hữu hiệu nhằm tạo điều kiện tối đa, đặc biệt là thời gian đầu tư để các GV yên tâm theo học. Với một chương trình hoàn toàn mới lạ, các địa phương cần bố trí hợp lý đi học và dạy. Cô H.D.C (tổ trưởng bộ môn ngoại ngữ một trường ở Đà Nẵng) cho biết, GV e ngại học vì không có thời gian. Số tiết lên lớp, hồ sơ giảng dạy phải đầy đủ, nhiều khi phải chủ nhiệm lớp, đảm đương công tác khác của trường. Để giải quyết mâu thuẫn này, trước hết các trường phải giảm tải giờ dạy (trên 50% thời lượng so với lúc chưa đi học) để giúp GV tự tin khi đến lớp. Lịch học phải hợp lý, tốt nhất là dịp hè, không tập trung học ban đêm, không hiệu quả.

Trường hợp đào tạo nhiều lần nhưng không đạt chuẩn, GV sẽ tự học, thi lại ở những các hệ thống kiểm tra quốc tế thông dụng. Nhất là các vùng nông thôn, các GV không thể một sớm, một chiều để đạt được kết quả như mong đợi. Muốn vậy, Bộ GD & ĐT phải thông báo rõ các hệ thống kiểm tra nào được sử dụng để công nhận đạt chuẩn. Có thể chấp nhận thêm các chứng chỉ thông dụng hiện nay như IELTS, TOEFL hoặc TOEIC, mỗi hệ thống khảo thí phải đảm bảo kết quả cụ thể, không nhất thiết phải là hệ thống Cambridge ESOL và kết quả được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính điều này sẽ tạo ra động lực học tập rộng rãi trong đội ngũ GV, vừa chất lượng vừa không bị áp lực theo kiểu vừa dạy, vừa học và vừa kiểm tra như hiện nay.

V.K