Khi niềm tin vỡ vụn
(Cadn.com.vn) - Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Michael Flynn đang chịu áp lực lớn về chính trị và nguy cơ mất niềm tin từ Nhà Trắng sau khi có báo cáo cho biết, ông đã lừa dối chính phủ về cuộc trao đổi với Đại sứ Nga Sergey Kislyak về lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Moscow, ngay trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Theo các nguồn tin trên báo chí Mỹ, khi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama áp dụng biện pháp trừng phạt mới với Nga vào ngày 29-12-2016, cơ quan tình báo Mỹ nghe lén cuộc nói chuyện của Đại sứ Kislyak và ông Flynn, trong đó đề cập đến các biện pháp trừng phạt. Và nội dung trao đổi đã bị ông Flynn báo cáo sai lệch sau đó.
Các phụ tá Nhà Trắng hiện đang đau đầu vì câu chuyện này trước áp lực rất lớn từ dư luận và nhất là khi đảng Dân chủ kêu gọi đình chỉ chức vụ của ông Flynn. Nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này, Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng vẫn im lặng. Họ không hề công khai bảo vệ ông Flynn hay thậm chí ra hiệu rằng, ông sẽ được tổng thống bảo vệ.
Vì sao như vậy? Nói về khía cạnh cá nhân, nhiều người cho rằng, vị thế của ông Flynn bị lung lay và sự ủng hộ cũng giảm đi nghiêm trọng do nhiều người không tin vào sự chân thành của ông Flynn khi nói về Nga và do đó không thể có được sự tin cậy hoàn toàn như trước. Và cứ thế, ngày càng nhiều người cho rằng nên phớt lờ ông Flynn thì hơn.
Thậm chí, nhiều nguồn tin cho rằng, cuối tuần qua, tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, Tổng thống Trump bày tỏ sự thất vọng về hành động này của cố vấn Flynn và đang “treo” chức vụ của ông này. Tuy nhiên, nguồn tin này sau đó được cho là “tin tức giả mạo”. Những người thân cận Tổng thống Trump cũng cho biết, tổng thống không có ý định sa thải cố vấn.
Những người gần gũi với cố vấn Flynn khẳng định, ông hoàn toàn tự tin vào lập trường của bản thân, bất chấp sự gièm pha. Tuy nhiên, trên thực tế, vị cố vấn này này thật sự đang phải vật lộn với quá nhiều thứ để tìm lại được niềm tin từ Nhà Trắng và người dân.
Thanh Văn