Khi “Nước Mỹ trên hết” đến Davos

Thứ sáu, 26/01/2018 09:22

Tổng thống Donald Trump đã đến Davos, Thụy Sĩ trong ngày 25-1 để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF - còn gọi là Diễn đàn Davos) - nơi ông sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” và tìm kiếm thương mại công bằng giữa Washington và các đồng minh. Tất nhiên, ông cũng muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới rằng, chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa nước này rút khỏi sân khấu quốc tế.

Đến Davos với hành trang duy nhất là “Nước Mỹ trên hết”, ông Trump nhấn mạnh muốn nói với thế giới rằng, nước Mỹ vĩ đại thế nào và cho cả thế giới biết,  “nền kinh tế của chúng ta đang bùng nổ và với tất cả những gì tôi đang làm, nền kinh tế sẽ tiếp tục đi lên”. Vì vậy, các nước rất chờ đợi nghe bài phát biểu của Tổng thống Trump vào hôm nay (26-1) tại cuộc gặp thường niên của các nhân vật tinh hoa ủng hộ thương mại trên toàn cầu, những người vốn quan ngại về chính sách “Nước Mỹ trên hết” theo hướng chủ nghĩa bảo hộ của ông chủ Nhà Trắng.

Kể từ năm 2000 sau cựu Tổng thống Bill Clinton, ông Trump chính là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ đến dự Davos. Đây là cơ hội cho phép ông hòa mình với những “người theo chủ nghĩa toàn cầu” mà ông đã đánh bại trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Nhưng xem ra, với tính cách của mình, thông điệp của ông Trump sẽ giống như những gì ông đã đưa ra trong những chuyến công du khác trong năm qua: Mỹ muốn có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh nhưng muốn giảm thâm hụt thương mại với nhiều nước trong số này. Đây là tham vọng thật sự mâu thuẫn và khó thành công.

Trước khi đến Davos, ông Trump chọc giận 2 nền kinh tế lớn của Châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc khi áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu khẩn cấp đối với sản phẩm máy giặt và pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ hai quốc gia này. Đây là một phần của chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, nhằm mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài.

Tất nhiên, ngoài kinh tế, ông Trump cũng sẽ sử dụng chuyến đi của mình cho một số vấn đề ngoại giao để trấn an các nước. Bởi có nhiều mối lo ngại rằng, 2018 có thể là năm mà thương mại trở thành “món ăn yêu thích” của Tổng thống Trump khi ông xem xét các biện pháp trừng phạt về thép và đe dọa sẽ chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.

THANH VĂN