Khi PCCC trở thành phong trào của toàn dân
Với việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và phong trào "Toàn dân PCCC" trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Từ việc xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC, người dân Đà Nẵng đã nhận thấy được trách nhiệm, vai trò của mình đối với công tác PCCC. Đó chính là nét chuyển biến tích cực nhất trong phong trào "Toàn dân PCCC", qua đó ý thức chấp hành pháp luật về công tác PCCC của mỗi người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ cháy đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của nhân dân. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng đã xảy ra 200 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Nữ phòng cháy cơ sở nhanh chóng dập tắt đám cháy tại Hội thao PCCC&CNCH Q. Thanh Khê. |
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ là do kinh tế xã hội của Đà Nẵng không ngừng phát triển, nhiều ngành kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ với các loại hình hoạt động đa dạng được thành lập và đi vào hoạt động. Quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí gas, hóa chất và nguyên vật liệu, chất dễ cháy khác với mức độ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về công tác bảo đảm an toàn PCCC còn hạn chế dẫn đến công tác PCCC ở cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, việc chấp hành các quy định của pháp luật PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… và người dân chưa đầy đủ và triệt để. Một số loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, nhà nghỉ, phòng trọ… luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh còn chủ quan trong công tác PCCC, có đầu tư trang thiết bị PCCC nhưng sơ sài, chủ yếu để đối phó trong quá trình kiểm tra của các cơ quan chức năng. Bên cạnh các khu đô thị mở rộng, các khu dân cư mới. Nhiều khu dân cư kiệt, hẻm, các khu phố nhỏ hẹp, kiến trúc nhà cửa từ xưa để lại mà chưa được cải tạo xây dựng để tạo lối thoát theo quy định của Luật PCCC, nhiều khu chung cư xuống cấp. Đây chính là những nguyên nhân khiến tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố có diễn biến rất phức tạp.
Đà Nẵng là một thành phố lớn, công tác PCCC muốn thực hiện có hiệu quả thì phải có sự tham gia tích cực của nhân dân, người lao động, người đứng đầu cơ sở của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi là phải tập trung xây dựng lực lượng PCCC tại cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của phương châm 4 tại chỗ, nhằm kiềm chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
Tính đến nay, phong trào toàn dân PCCC ở TP Đà Nẵng đã có chuyển biến rõ rệt, bắt đầu từ năm 2019, sẽ lồng ghép vào phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", tiếp tục duy trì và xây dựng các cụm dân cư an toàn về PCCC; khu chung cư an toàn về PCCC, thôn an toàn về PCCC. Cho đến cuối năm 2018, đã xây dựng được 58 đội dân phòng PCCC cơ động với 1.714 đội viên, được bố trí theo cụm dân cư, thôn. 7 đội PCCC chuyên ngành với 146 đội viên, tất cả được huấn luyện PCCC. Hằng năm, tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều tổ chức hội thao PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng và lực lượng cơ sở. Đã củng cố kiện toàn 795 cụm mới 795/795 cụm đã xây dựng phương án chữa cháy và 162 cụm đã tổ chức thực tập phương án chữa, việc vận động trang bị bình chữa cháy xách tay tại hộ gia đình đạt hiệu quả tích cực (191.911/217.129 hộ, đạt 88,38% tổng số hộ trên địa bàn). Ngoài ra đã củng cố xây dựng 2.360 đội PCCC cơ sở. Đây chính là lực lượng phát hiện, tiếp cận hiện trường đầu tiên khi có cháy xảy ra, tổ chức cứu chữa giai đoạn đầu và giảm thiểu những thiệt hại do cháy gây ra trong khả năng cho phép. Qua thống kê có gần 50% vụ cháy được lực lượng tại chỗ dập tắt. Đây là bước tiến rất lớn về phong trào toàn dân PCCC ở Đà Nẵng, không thể không ghi nhận và phát huy.
Năm 2019, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH TP Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức nhiều chương trình mang tính vui để học đầy bổ ích dành cho thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên, qua đó giúp các em có điều kiện tiếp xúc, am hiểu hơn về lĩnh vực PCCC. Ngoài ra còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ, xử lý tai nạn sự cố trong cuộc sống thường nhật; phối hợp với nhiều lực lượng tiến hành thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ với những tình huống giả định bám sát thực tiễn của từng nhóm đối tượng, loại hình cơ sở; tích cực tham mưu lãnh đạo các cấp để xây dựng, nâng tầm cả về chất và lượng đối với lực lượng dân phòng cùng đội ngũ tại chỗ trong công tác PCCC phù hợp tình hình mới; trao tặng và hướng dẫn thao tác, cách sử dụng bình chữa cháy xách tay, cũng như một số phương tiện PCCC tại chỗ thông dụng, phổ biến khác cho cộng đồng… Tuy nhiên, số lượng người tham gia sinh hoạt thường không đầy đủ nên chất lượng không cao; lực lượng PCCC tại chỗ vẫn chưa được trang bị hoặc đã được trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC&CNCH nhưng không đồng nhất về số lượng, chủng loại, thông số kỹ thuật và cũng không được bảo trì, bảo dưỡng nên thường bị hư hỏng... khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, việc triển khai chữa cháy của lực lượng tại chỗ còn nhiều lúng túng, dẫn đến hiệu quả chữa cháy thấp…
Thượng tá Nguyễn Thành Nam- Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Đà Nẵng cho biết: "Thời gian đến, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục phát huy, làm tốt chức năng tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên địa bàn cùng thực hiện nhiệm vụ PCCC. Bám sát địa bàn, làm tốt công tác điều tra cơ bản, tích cực tham mưu, hướng dẫn giúp chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn về PCCC. Tăng cường hoạt động, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC được quy định trong Luật PCCC; Tiếp tục xây dựng, củng cố phong trào toàn dân PCCC, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về PCCC đến từng người dân và cán bộ. Đặc biệt tập trung phổ biến hướng dẫn kiến thức về PCCC & CNCH, kỹ năng xử lý các tình huống ban đầu khi có sự cố cháy nổ xảy ra, các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và CNCH trong đám cháy… Đề cao việc tự kiểm tra của các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, duy trì và thực hiện nghiêm túc mọi quy định về PCCC, tiếp tục làm tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân giải quyết các công việc liên quan đến PCCC một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả".
PCCC không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể nên tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bản thân. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước ngày càng bình yên, giàu mạnh.
BÍCH LIÊN