Khi Thủ tướng Đức bị nghe lén

Thứ sáu, 25/10/2013 12:54

(Cadn.com.vn) - Mỹ phủ nhận thông tin Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) theo dõi điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng vấn đề không thể dừng lại ở đó.

Bê bối nghe lén của NSA lại tiếp tục khiến Mỹ bẽ mặt. Hết Pháp, Mexico, giờ lại đến Đức, tất cả đều đang nổi giận và yêu cầu Nhà Trắng giải thích rõ ràng về những cuộc nghe lén. Tuy nhiên, Washington vẫn một mực bác bỏ mọi cáo buộc.

ĐỨC TRIỆU ĐẠI SỨ MỸ

Bộ Ngoại giao Đức ngày 24-10 triệu Đại sứ Mỹ John B. Emerson liên quan đến những nghi vấn Washington nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel. Trong một diễn biến khác thường giữa hai đồng minh lâu năm này, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle gặp riêng Đại sứ Mỹ Emerson để nêu rõ lập trường của Berlin.

Vụ nghe lén trên khiến bà Merkel rất giận dữ và ngay lập tức gọi điện cho Tổng thống Mỹ Obama yêu cầu giải thích. Phát ngôn viên Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert cho biết: “Thủ tướng Merkel nói với Tổng thống Obama rằng, nếu điều đó được xác định là có thật, bà dứt khoát không tán thành những hành vi như vậy, đồng thời coi các hành vi đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Đáp lại, Tổng thống Obama phủ nhận những cáo buộc trên đồng thời đảm bảo với Thủ tướng Merkel rằng, Mỹ không theo dõi các liên lạc của bà.

Điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel được cho là bị Mỹ nghe lén. Ảnh: AP

Nhà Trắng cho biết không theo dõi và sẽ không theo dõi thông tin liên lạc của bà Merkel, nhưng rõ ràng họ không nói rằng, “chưa bao giờ làm như vậy”. Thật khó tưởng tượng rằng, bà Merkel sẽ hài lòng với lời giải thích này. Việc mất lòng tin vào Mỹ hiện hữu trong một tuyên bố bất thường sau đó của Thủ tướng Đức: “Giữa những người bạn và đối tác gần gũi như Đức và Mỹ, không nên có chuyện theo dõi các cuộc nói chuyện của người đứng đầu chính phủ. Hành động như vậy cần phải được ngăn chặn ngay lập tức”.

Rõ ràng, bà Merkel không còn coi nhẹ vấn đề như trước. Còn nhớ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Đức vào đầu mùa hè này, vấn đề của NSA qua tiết lộ của Edward Snowden vẫn chỉ như gió thoảng qua. Mặc dù các tiết lộ cho thấy, Đức là mục tiêu đặc biệt quan trọng của NSA, Thủ tướng Merkel lúc đó phản ứng khá thận trọng. Tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama sau khi bài phát biểu hôm 19-6, bà Merkel mô tả Internet là “lãnh thổ mới”. Tuyên bố ngây ngô này vấp phải nhiều chỉ trích là “quá tin vào Mỹ”.

GƯƠNG VỠ KHÓ LÀNH

Tổng thống Obama lúc đó cũng cố gắng trấn an đồng minh quan trọng này rằng, chương trình theo dõi điện tử “PRISM” là nhằm bảo vệ người dân và hoạt động theo luật pháp. Washington chỉ muốn nỗ lực cân bằng giữa tự do và an ninh quốc gia. Nhưng bê bối đã đi xa hơn.

NSA do thám 124,8 tỷ cuộc gọi điện thoại chỉ trong một tháng, Reuters ngày 24-10 dẫn báo cáo mới nhất cho biết. Hầu hết các đối tượng bị theo dõi ở Trung Đông, trong khi có khoảng 3 tỷ cuộc gọi ở trong nước Mỹ.

Hiện tại, ông chủ Nhà Trắng cũng ý thức được rằng, bản thân không thể dễ dàng làm êm chuyện nhanh chóng. Nhưng ngay cả khi cáo buộc này được chứng minh sai, vấn đề cũng không đơn giản dừng lại ở đó. Trong tuyên bố ngày 24-10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng khẳng định, Liên minh Châu Âu (EU) không thể đơn giản quay trở lại mối quan hệ bình thường với Washington sau những cáo buộc này, mặc dù ông nhấn mạnh, quan hệ vẫn sẽ ổn định. Giới phân tích cũng nhận định, cáo buộc nghe lén điện thoại Thủ tướng Merkel làm dấy lên sự thất vọng của cộng đồng quốc tế với chính quyền Obama và các cuộc đàm phán thương mại trọng điểm phức tạp giữa Mỹ và EU.

Nước Mỹ đang phải gánh giông bão từ các đồng minh trước cáo buộc do thám. Nhưng dù Washington có làm gì đi chăng nữa, rõ ràng, sau vụ này, các đồng minh sẽ thận trọng hơn với Mỹ khi họ ý thức rõ ràng, Nhà Trắng đang chơi ván bài hai mặt.

Khả Anh