Khi tiệm cầm đồ là “địa chỉ đen”

Thứ hai, 06/06/2016 11:05

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, trên địa bàn TP Huế (TT-Huế) có 175 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được cấp phép hoạt động là hộ kinh doanh cá thể với gần 260 người tham gia hành nghề. Cơ quan chức năng xác định, ngoài số ít tiệm hoạt động đúng luật thì nhiều tiệm cầm đồ là nơi các đối tượng trộm, cướp tìm đến tiêu thụ tài sản phạm tội mà có.

Đi cùng một anh bạn đồng nghiệp trong vai người đi cầm đồ, đến “phố cầm đồ” trên đường Phan Bội Châu (P. Trường An, TP Huế) ghé vào tiệm cầm đồ T.T, chúng tôi yêu cầu cầm chiếc xe máy Exciter do người khác đứng tên. Một nhân viên xem qua chiếc xe rồi ngã giá, chiếc này cầm được 5 triệu đồng, lãi suất 10 ngàn đồng/ngày (tức 6%/ tháng). Theo một cán bộ CA, nếu đồng ý với lãi suất trên, giao dịch sẽ diễn ra, đồng nghĩa tiệm cầm đồ này vi phạm lỗi nguồn gốc tài sản không rõ ràng và lãi suất vượt quá quy định. Theo quy định, lãi suất và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày), lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.

CA phát hiện 1 điểm cầm cố xe máy, sau đó rã xe để bán phụ tùng.

Tiếp tục đến tiệm cầm đồ B. M., chúng tôi được nhân viên ở đây định giá chiếc xe “không chính chủ” trên chỉ 2 triệu đồng với lãi suất 10 ngàn đồng/ngày (tức 15%/ tháng). Cũng với chiếc xe này, tiệm cầm đồ A. N. trên đường Đặng Huy Trứ (TP Huế) lại đồng ý cầm 4 triệu đồng, lãi suất 300 ngàn đồng/tháng (tức 7,5%/tháng). Trong khi có mặt tại 1 tiệm cầm đồ trên đường Phan Bội Châu, chúng tôi thấy có 2 nam thanh niên, tay đầy hình xăm trổ, đưa 1 chiếc xe Air Blade còn mới cứng đến cầm. Người cầm xe nói: Xe đó là của người thân trong gia đình nhưng không đem theo giấy tờ, chỉ cầm vài bữa sẽ chuộc lại... Lúc này, một nhân viên xem xe xong, “định” giá chỉ cầm được 5 triệu đồng. Hai thanh niên nói to nói nhỏ một lúc, rồi gật đầu đồng ý.

Ở nhiều tiệm cầm đồ mà chúng tôi đến, thủ tục cầm nhận xe rất đơn giản, các tiệm cầm đồ vẫn vô tư cầm cố tài sản dù không rõ nguồn gốc. Một số tiệm cầm đồ vừa là nơi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSQLHC về TTXH CATP Huế, cho biết: Từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 5-2016, đơn vị phối hợp CA các phường tổ chức kiểm tra, rà soát, lập danh sách các cơ sở cầm đồ có biểu hiện phức tạp, thường vi phạm các lỗi về cầm hàng không có nguồn gốc. Đơn vị đã phát hiện 6 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 20 triệu đồng, tạm giữ 135 xe máy cầm cố không đúng chủ sở hữu. Theo trung tá Minh, nhiều cơ sở do hám lợi mà bỏ qua các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Các lỗi vi phạm phổ biến: tài sản không rõ nguồn gốc, lãi suất cao hơn quy định, không ghi vào sổ, không CMND, để đồ vật tài sản ngoài địa điểm kinh doanh. Thậm chí có nhiều trường hợp vi phạm cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu hoặc hoạt động chui, không có giấy chứng nhận an ninh trật tự...

CA tịch thu một số xe cầm cố không đúng quy định tại một tiệm cầm đồ.

Thượng tá Võ Xuân Thiện, Đội trưởng Đội CSPCTP về TTXH CATP Huế cho rằng, kinh doanh dịch vụ cầm đồ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như: chứa chấp, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản do người khác phạm tội mà có, cầm cố tài sản cho vay lãi suất cao... ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT. Thực tế thời gian qua đơn vị đã phá nhiều vụ án trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có sự che đậy, tiếp tay và không tố giác tội phạm của một số chủ tiệm cầm đồ. Gần 100% tài sản gian đều được các đối tượng “hóa kiếp” tại các tiệm cầm đồ với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật. Sau khi phát hiện đồ gian, cơ quan CA sẽ tịch thu tài sản, khi đó các chủ tiệm cầm đồ phải “tiền mất tật mang”. CATP Huế đã khởi tố nhiều vụ án mà các đối tượng có hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng vấn nạn này vẫn gia tăng.

Theo thượng tá Trương Thế Vũ, Phó trưởng CATP Huế, để đảm bảo tình hình ANTT khi thực hiện cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc giấy tờ khác còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ 3  phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan CA có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

H.Lan