Khi trẻ thiếu vắng tiếng cười hạnh phúc
Ma túy không “từ bỏ” bất kỳ ai, dù đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy” hay đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, ma túy thường đến nhanh và đến mạnh với những thành phần có cuộc sống không hạnh phúc, với những đứa trẻ, thiếu bàn tay chăm sóc của người lớn...
Những đứa trẻ bị bắt vì liên quan đến ma túy. |
Còn đâu tiếng cười?
Đẹp trai, học giỏi, điều kiện kinh tế gia đình lại khá giả nên P.N.N.D (1996, trú Đà Nẵng) luôn được bạn bè cùng trang lứa ngưỡng mộ. Năm tháng phổ thông trung học nhẹ nhàng trôi qua trong niềm hạnh phúc gia đình đã tạo động lực mạnh mẽ cho D. Vì thế, D. đã có kết quả rất tốt tại kỳ thi quốc gia cuối cấp và đỗ vào một trường đại học với ngành quản trị nhà hàng. Vậy nhưng, cuộc sống êm đềm và hạnh phúc của D. chỉ được một thời gian…
Từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật dần dần tăng lên theo cấp số nhân, đã khiến bố mẹ D. phải đưa nhau ra tòa ly hôn, sau nhiều cuộc hòa giải bất thành. Sau đó, mỗi người đều có bến đỗ mới. D. về sống với bà nội. Gia đình tan nát, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ nên D. bắt đầu cảm thấy chán nản với cuộc sống. Để vơi đi những nỗi sầu, D. lao vào những cuộc ăn chơi và vắng dần những buổi đến giảng đường đại học. Say rồi tỉnh, vui rồi lại buồn. Điệp khúc cứ lặp đi lặp lại hằng ngày đối với D. Để tìm cảm giác mới, D. đến với cần sa. Để có tiền theo đuổi đam mê chết người này, D. bước vào hành trình mua bán trái phép chất ma túy… Và trong một lần giao “hàng” cho con nghiện, D. đã bị Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (CSMT) CAQ Ngũ Hành Sơn bắt giữ với 2 gói ni-lông chứa cần sa. Khám xét nơi ở của D., Đội CSMT thu giữ thêm 2 lọ thủy tinh đựng cần sa, một số dụng cụ dùng để xay và sử dụng cần sa. Khi D. bị di lý ra khỏi nhà để về lại cơ quan CA, bà nội D. gục khóc dưới hiên nhà với lời oán trách: “Chỉ vì muốn tìm cho mình hạnh phúc mới mà ba mẹ con đã hại đời con rồi D. ơi!”.
Cuộc sống gia đình không mấy hạnh phúc, những mâu thuẫn giữa bố mẹ diễn ra hằng ngày cũng khiến T.V.T (1997, quê Bình Định) trở nên mệt mỏi, thay đổi tính nết… Từ một cậu bé được làng xóm và người thân đánh giá thông minh, lanh lợi và dễ gần, T. trở thành một kẻ bướng bỉnh, khó bảo và hay cáu gắt… Cảm thấy không thể tiếp tục sống trong ngôi nhà luôn có không khí ngột ngạt và thiếu vắng tiếng cười hạnh phúc, T. đã rời đi trong vô vọng. Đến Đà Nẵng, sau những giờ rảnh rỗi, T. thường ghé đến khu vực một trường THPT để uống nước và tìm bạn. Cuộc gặp nhau giữa T. và N.H.D (2001, trú Đà Nẵng) cũng bắt đầu từ đây. Có hoàn cảnh na ná nhau, T. -D. đã sớm đồng cảm và kết thân.
Từ chia sẻ những nỗi buồn gia đình, T. - D. dần tìm đến ma túy (cần sa) để giải sầu. Từ cậu học trò có học lực khá giỏi tại một trường THPT tương đối có tiếng trên địa bàn Đà Nẵng, D. đã xuống dốc không phanh. Với một người có thu nhập ít ỏi từ việc làm thuê như T. và một kẻ đang ăn bám gia đình như D. thì để có thể “gắn bó” thường xuyên với ma túy là điều không dễ chút nào... Bần cùng sinh lạc lối, T.- D. chuyển sang mua bán ma túy. Chuyện gì đến rồi cũng phải đến, trong một lần T. - D. đang bán cần sa cho con nghiện thì bị Đội CSMT CAQ Ngũ Hành Sơn phát hiện, bắt quả tang, thu giữ tại hiện trường 2 gói ni-lông bên trong chứa cần sa. Khi được hỏi con đường nào dẫn cả đến với ma túy, cả T. và D. đều lí nhí: “Do buồn chán. Do ba mẹ thường xuyên cãi vã…”.
Nước mắt con thơ
Do cuộc sống hôn nhân không mấy hạnh phúc, H.T.N.C (1991, trú Đà Nẵng) và chồng quyết định đường ai nấy đi và C. là người nuôi dưỡng cậu con trai bé bỏng. Để có tiền chăm lo cho con, C. xin vào làm nhân viên cho một quán bar. Từ môi trường đầy cám dỗ này, C. đã nhanh chóng gia nhập vào đội quân “đập đá”. Trong những lần “giao lưu”, C. đã gặp và làm quen với T.L.N.K. Giữa tháng 8-2019, C. và K. gặp nhau tại một quán nhậu để lai rai rồi điều khiển ô-tô đi gặp một đối tượng nữ (không rõ lai lịch) để mua 7 viên thuốc lắc và 2 chỉ ketamine với giá hơn 6,4 triệu đồng. Có “hàng”, K. và C. mang đến một địa điểm trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn để bán lại cho con nghiện thì bị Đội CSMT CAQ Ngũ Hành Sơn phát hiện, bắt giữ cùng tang vật.
Chuẩn bị bước lên chiếc xe đặc chủng để đến trại tạm giam, C. nghe tiếng gọi “mẹ ơi!” từ phía xa nên ngước mắt tìm kiếm. Thấy đứa con trai 7 tuổi đang chậm chạp bước đến, C. xin được nán lại ít phút… Chắc có lẽ đã hiểu phần nào về hành vi vi phạm của mẹ mình nên cậu bé không hỏi gì nhiều, chỉ ôm chặt người mẹ rồi khóc. Giọt nước mắt hối hận muộn màng của người phụ nữ từng trải ngoài xã hội cũng rơi dài. Trước khi bước lên xe đặc chủng, C. thỏ thẻ vào tai con: “Nín đi con. Ở nhà con nhớ phải vâng lời ông bà và cố gắng học thật giỏi nhé. Mẹ sẽ cố gắng để sớm có thể được về với con. Mẹ xin lỗi vì đã không thể ở bên cạnh con để chăm lo cho con được tốt…”.
Chiếc xe đặc chủng lăn bánh, cậu bé òa khóc to với lời nhắn gửi: “Con nhớ mẹ nhiều lắm. Mẹ hãy sớm về với con nhé mẹ. Con sẽ đợi mẹ từng ngày…”.
T.DŨNG