Khi Trung Quốc “ve vãn” Châu Phi

Thứ sáu, 20/07/2018 11:01

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19-7 rời thủ đô Bắc Kinh để thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Senegal, Rwanda, Nam Phi và tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại thành phố Johannesburg của Nam Phi.

Sau chặng dừng chân ngắn ở Vùng Vịnh trong ngày 19-7, hành trình của ông Tập trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai này là đến Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius, trải dài gần như mọi ngóc ngách vùng cận Sahara của Châu Phi, khu vực tiềm năng kinh tế mà Trung Quốc đặt mục tiêu trong tham vọng chiến lược của họ.

Gần một thập kỷ trước, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất Châu Phi. Trong khi Trung Quốc nổi lên ở Châu Phi, Mỹ đang ngày càng mất đi ảnh hưởng ở lục địa này. Bởi vì, người Mỹ dường như nhìn Châu Phi thông qua ống kính an ninh... hoàn toàn khác với quan điểm của người Trung Quốc, vốn xem xét từ một góc độ kinh tế.

Thương mại Trung Quốc- Châu Phi đạt mức kỷ lục 220 tỷ USD trong năm 2014. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn đặt Châu Phi trong lịch trình ưu tiên ngay khi lên nắm quyền. Năm 2013, ông Tập cũng đã chọn Châu Phi như là một phần của cuộc hành trình đầu tiên ở nước ngoài và tiếp tục đến thăm lục địa này 2 lần nữa trong nhiệm kỳ đầu tiên. Chuyến đi mới nhất của ông Tập đến Châu Phi lần này diễn ra khi Bắc Kinh tiếp tục củng cố vai trò như một trong những đồng minh kinh tế và ngoại giao gần nhất của châu lục này.

Nhưng mối quan tâm của Trung Quốc ở Châu Phi không chỉ về thương mại khi lục địa này còn cung cấp lượng lớn nguyên liệu mà Trung Quốc không thể có. Châu Phi còn là một khối chính trị ủng hộ Bắc Kinh tại LHQ. Thoạt nhìn, chặng dừng chân của ông Tập ở Rwanda và Senegal xem ra có gì đó bất thường vì hai nước này không nhận được khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc. Nhưng vị trí quan trọng của Rwanda trong kế hoạch “Vành đai và Con đường”, kế hoạch đầu tư và thương mại toàn cầu đầy tham vọng của ông Tập, chính là câu trả lời rõ ràng nhất.

Khi Rwanda đang hướng tới việc đa dạng hóa mối quan hệ với Mỹ, cách xa Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc thấy rõ đây là cơ hội tốt để phát triển các mối quan hệ. Đối với Senegal, đã có những gợi ý rằng, chính phủ Trung Quốc có thể quan tâm đến khả năng xây dựng các cảng trên Đại Tây Dương. Sự lựa chọn Senegal và Mauritius là phù hợp với nỗ lực thiết lập một sự hiện diện trên bờ biển Đại Tây Dương và cả khắp Ấn Độ Dương của Bắc Kinh.

THANH VĂN