Khi văn học là bà đỡ cho điện ảnh

Thứ tư, 28/10/2015 08:45

(Cadn.com.vn) - Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo được hiệu ứng tốt cho công chúng. Thêm một lần nữa ghi nhận một tác phẩm văn học tốt sẽ là điểm tựa đắc lực khi được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Thử lý giải bộ phim gây được sự chú ý.

Một cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Giữa đọc truyện và xem phim, độc giả và khán giả không thấy độ chênh và thất vọng, đây chính là điểm cộng đầu tiên giữa điện ảnh và văn học. Sự tương đồng và làm hài lòng độc giả, khán giả như thế này trước nay không phải là nhiều. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh xưa nay luôn được chú ý. Bằng chứng là các đầu sách của ông luôn nằm trong top sách bán chạy và có lượng tái bản khổng lồ. Tuy nhiên, để chuyển thể thành phim, mà lại là phim điện ảnh thì chưa nhiều. Vì vậy, khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở thành phim điện ảnh đã đánh đúng vào tâm lý "tò mò" của công chúng. Người đọc sách rồi thì xem khi thành phim có gì khác nhau. Tất cả nhân vật, tính nết, khung cảnh... ở trong tác phẩm văn học chỉ là con chữ, và phụ thuộc hoàn toàn vào trí tưởng tượng của độc giả thì giờ đây con chữ ấy được chuyển thành hình ảnh cụ thể, rõ nét và hiển hiện ngay trước mắt.

Phải ghi thêm một điểm cộng nữa cho đạo diễn vì hình ảnh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh  khá đẹp, ấn tượng. Góc quay rộng, màu sắc đẹp, tạo được cảm xúc... Diễn viên diễn có hồn, khuôn mặt trong sáng, từng trang phục, vật dụng sử dụng trong phim được lựa chọn kỹ càng.

Nội dung của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thể hiện rất rõ "chất Nguyễn Nhật Ánh"; mơ mộng, trong sáng, cảm động, dí dỏm, nhân ái... mà hầu hết ở các tác phẩm của nhà văn đều có nét này, chứ không riêng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nếu ai từng đọc vài ba cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh sẽ nhận ra ngay cái chất này. Tuy nhiên, với phim thì lại khác. Phim của chúng ta rất ít, nếu không nói là hiếm tác phẩm điện ảnh có nội dung như thế này. Vài năm trở lại đây phim chiếu rạp ở ta phần lớn là kinh dị, võ thuật, giải trí, thế giới chân dài... vì thế bỗng xuất hiện một bộ phim nhẹ nhàng, đầy chất mơ mộng như một món ăn lạ, dễ tiêu hóa khiến ai cũng muốn xem.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim xoay quanh nhân vật chính ở độ tuổi mới lớn, nhưng xung quanh là các mối quan hệ của người lớn, trẻ con... Do đó đối tượng xem khá rộng, đạo diễn không phải giới hạn phim dành cho lứa tuổi nào. Thực tế thì bộ phim nhẹ nhàng này ai xem cũng được. Một số ý kiến cho rằng, phim có một số cảnh đánh nhau không phù hợp với trẻ em là hoàn toàn thiếu thuyết phục. Một vài cảnh đánh nhau không được tô đậm, và đằng sau đó người xem thấy đậm nét tính cách nhân vật hơn, tình cảm con người gắn bó hơn, sự trừng trị, ân hận... được rõ hơn. Bài học về tình cảm con người, bạn bè, anh em... được thể hiện nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc, lắng đọng. Còn người lớn khi xem phim sẽ tìm lại được những khoảng khắc ấu thơ trong sáng, hồn nhiên của mình.

Trước khi được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng đoạt giải thưởng văn học ASEAN. Cho đến nay, tác phẩm này đã được tái bản lần thứ 20. Ngay trong tháng 9 vừa qua, khi có thông tin về bộ phim cùng tên được chuyển thể ra mắt công chúng cùng với hội sách tại Hà Nội, đơn vị xuất bản đã tái bản 30 nghìn cuốn nhưng cho đến nay, hiệu ứng của bộ phim một lần nữa lại hâm nóng khiến cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh  tiếp tục gây "sốt".

Với truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã hoàn toàn đủ chất liệu cho một bộ phim hoàn chỉnh với không gian, nhân vật chính, phụ cùng tính cách, những biến cố xảy ra với từng người. Quả thật, khi so sánh giữa phim và truyện độc giả có thể dễ dàng nhận ra gần như đạo diễn chỉ có thể cắt, có thể tinh giảm chi tiết, nhân vật hơn là thêm vào. Có nghĩa là tác phẩm văn học bao quát hơn, rộng hơn so với khi chuyển thể thành phim.

Trước nay, phim Việt Nam thường bị đánh giá là nhiều thoại và thoại không hay thì ở Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thoại đã được đánh giá cao. Hầu hết thoại của phim được lấy hoàn toàn từ tác phẩm văn học, gần gũi như đời sống thường ngày, lại phù hợp với văn cảnh, với diễn biến tâm lý nhân vật.  Đây chính là lợi thế của một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Bên cạnh điểm khác kể trên, cũng phải ghi nhận sự tối giản của người làm phim cũng khiến câu chuyện bật lên được cái cốt chính, tạo được sự cô đọng cho công chúng và gây xúc động.

Hiền Nguyễn