KỶ NIỆM 20 NĂM TP ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Khi ý Đảng, lòng dân hòa quyện

Thứ năm, 29/12/2016 10:08

(Cadn.com.vn) - Mùa xuân năm nay không chỉ là mùa xuân của đất trời mà còn là mùa xuân của lòng người. Bởi, niềm vui của chính quyền và nhân dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) như được nhân lên gấp bội sau 20 năm TP trực thuộc Trung ương... Chứng kiến quá trình đổi thay của thôn bản, già làng Bùi Văn Cầm (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) chia sẻ: “Ở cái tuổi gần đất xa trời như mình còn ý nghĩa đấy chứ, ít ra cũng được nhìn thấy dáng dấp của chiếc cầu có hình thù ra sao trước khi về núi, chứ đời cha ông đi trước đố mà biết được hôm nay bản làng mình có cầu dài 87m, rộng 7,5m do TP đầu tư xây dựng với kinh phí 12 tỷ đồng bắc qua thượng nguồn sông Cu Đê. Điều đó đã cho thấy những nỗ lực đáng kể của các cấp chính quyền trong việc tạo dựng mối liên kết không chỉ đơn thuần về giao thông mà xa hơn nữa, là sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực cho người dân ở vùng sâu, vùng xa nhất của TP này”. Thật vậy, tháng 2-2010, cầu thông thương nối khoảng cách giữa 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí, gần 200 hộ đồng bào Cơ Tu trong khu vực lại có thêm nhiều thuận lợi trong việc giao lưu sinh hoạt, cải thiện cuộc sống...

H. Hòa Vang đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Tương tự, thôn Trường Định (xã Hòa Liên) cũng không còn là “ốc đảo” nghèo nữa, bởi từ tháng 8-2010, TP đã đầu tư xây dựng chiếc cầu dài 277m, rộng 6,5m qua sông Trường Định, gối đầu với trục đường liên xã ĐT601. Trưởng thôn Võ Văn Thành cho biết: “Lúc cầu mới khởi công, các cụ già trong thôn “sướng” lắm, rỗi rảnh là chống gậy ra bến đò “giám sát”, đếm từng ngày “chờ” cầu hoàn thành. Bởi bao đời nay, người dân Trường Định luôn phải đối mặt với khó khăn. Mỗi mùa mưa lũ, nước bao bọc xung quanh nên việc học của con em họ phải bị gián đoạn”. Còn niềm vui của Mẹ VNAH Lê Thị Láo thì không thể nào tả hết, con trai của mẹ hy sinh và được mai táng ở nghĩa trang liệt sĩ xã, ngó qua đó thì gần lắm nhưng mỗi lần đi là mỗi lần khó khăn; do “cách sông trở đò” nên mẹ không thường xuyên hương khói được... Chúng tôi muốn nhắc lại hình ảnh những chiếc cầu để thấy rằng, ngày ấy, nhiều người dân nông thôn phải “lụy đò” trong sản xuất và sinh hoạt. Cũng chính vì vậy, nhiều người từng nói vui rằng, nên sửa câu “Ra chợ sẽ biết mức sống của người dân nơi đó như thế nào” thành “Nhìn chiếc đò ngang sẽ biết người dân nơi đó khổ ra sao”. Thực tế đã chứng minh, sau cầu Tà Lang - Giàn Bí, Trường Định, Sông Yên (Hòa Phong - Hòa Tiến), các cầu Hội Yên (Hòa Bắc), Diêu Phong (Hòa Nhơn - Hòa Phú) tiếp tục được xây dựng thì đời sống người dân trong khu vực đã vươn lên mạnh mẽ.

Tiếp xúc với nhiều người dân các xã vùng trung du, chúng tôi ghi nhận thêm, từ ngày có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục đích nâng cao cuộc sống của người dân, ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Mấy năm nay, cuộc sống người dân đầy đủ hơn về mọi mặt, người nghèo được giúp đỡ, dạy nghề có công ăn việc làm ổn định; tệ nạn xã hội giảm, an ninh trật tự tốt hơn, người dân sống an tâm hơn. Đường sá khỏi phải bàn, bê tông, trải nhựa hết, xe bốn bánh chạy đến tận nhà, đường ra đồng sản xuất không còn cảnh lấm lem bùn đất... Ngoài niềm vui phấn khởi về đời sống, chúng tôi còn cảm nhận được sự thay đổi lớn lao trong tư duy của họ, nhất là tư duy sản xuất. Ai cũng hồ hởi chia sẻ về những ruộng lúa, ruộng rau được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, khác xa những ngày vất vả “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Dọc theo tuyến ĐT605, một bức tranh NTM hiện hữu ngày càng rõ nét ở địa bàn giáp ranh Hòa Tiến, Hòa Châu - 2 xã về đích NTM đầu tiên của huyện. Chỉ tay vào con đường bê-tông rộng 5,5m dọc theo thôn Yến Nê 1 (xã Hòa Tiến), ông Nguyễn Viết Sung quả quyết: “Con đường này trước đây vừa hẹp, vừa lởm chởm đất đá nên người dân đi lại rất khổ. Khi xã về họp dân bàn chuyện mở rộng đường theo tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm thì ai cũng phấn khởi hiến đất, góp công, góp sức xây dựng. Có đường đẹp thì người dân lại càng có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường hơn, xây dựng tường rào, cổng ngõ khang trang, sạch đẹp hơn”...

Không dừng lại ở phát triển kết cấu hạ tầng, các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân ngày càng được quan tâm. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hòa Vang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất, trong đó nhiều mô hình đã sớm khẳng định là hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương như mô hình trồng hoa, cây cảnh, giá trị mang lại hằng năm hơn 30 tỷ đồng. Các mô hình trồng rau an toàn, dưa hấu, thanh long ruột đỏ; trồng và chế biến nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi; nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm nước lợ... đã phát huy thiết thực. Mô hình trồng hoa lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng (xã Hòa Châu) là một minh chứng. Sau khi được TP hỗ trợ kinh phí, anh mạnh dạn đầu tư trồng 10.000 cây hoa Môkara, với số vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng. Đến nay, mỗi năm vườn hoa cho lãi ròng 450 triệu đồng, anh Hùng cho rằng, chương trình xây dựng NTM đã tác động rất lớn, mang lại giá trị thiết thực cho nhân dân. Đời sống vật chất tinh thần của người dân nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ đó, người dân hăng hái chăm lo phát triển sản xuất, số hộ khá giàu ngày càng tăng, bộ mặt thôn xóm ngày thêm sáng sủa...

20 năm TP trực thuộc Trung ương là khoảng thời gian để H. Hòa Vang vươn lên mạnh mẽ, từ một vùng quê còn nghèo khó khi mới chia tách trở thành một vùng nông thôn đổi mới theo hướng đô thị, văn minh với cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt và hoàn thành xuất sắc chương trình xây dựng NTM khi là địa phương đầu tiên trong cả nước có 100% xã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. “Ý Đảng, lòng dân” hòa quyện đã đơm hoa, kết trái cho bảng vàng lập công của Hòa Vang trong năm mới này đong đầy thêm những giá trị đích thực; xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” do Chủ tịch nước phong tặng vào năm 2005.

V.H