Khi "ý Đảng, lòng dân" hòa quyện

Thứ năm, 02/05/2019 12:55

Diện mạo thôn 5 xã Hòa Khương thay đổi nhiều trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

44 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng nông thôn Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã thật sự khởi sắc, hướng đến xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2019. Để có được diện mạo như hôm nay là cả một câu chuyện không chỉ giải quyết trong một sớm, một chiều. Song, cốt lõi vẫn là làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân, nông nghiệp phát triển bền vững, bộ mặt nông thôn đổi mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị mà vẫn giữ được những nét văn hóa lâu đời... Và có lẽ, những người lớn tuổi như ông Trà Văn Sinh (thôn La Châu) mới cảm nhận hết sự đổi thay đổi của quê hương theo thời gian, đời sống mọi mặt ở nông thôn được nâng lên rõ rệt. Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, các con ăn học thành đạt. Nông thôn mà được như vậy là sung sướng lắm rồi… "Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian để người nông dân sáng tạo, cần cù và chắt chiu để rút dần khoảng cách vùng nông thôn với thành thị. "Ý Đảng, lòng dân" hòa quyện đã trở thành sức mạnh nội sinh để người dân năng động hơn, xây dựng cuộc sống phồn vinh hơn bằng chính đôi tay và nghị lực của mình", ông Sinh chân tình bộc bạch.

Còn ông Ngô Văn Trương- Trưởng thôn 5 xã Hòa Khương khoe: Bây giờ, các anh đến bất cứ nơi nào trong thôn cũng đều nghe nông dân bàn tán chuyện làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì và cả những thuận lợi, khó khăn. Người thì nuôi cá nước ngọt theo mô hình trang trại, ao vườn, người thì phát triển chăn nuôi gia súc, mở rộng diện tích giống cây trồng… Ông Trương cho biết thêm, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện tại địa phương cùng nhiều chính sách ưu đãi cho người dân như tiếp thêm sức sống mới. Đất đồi, đất vườn được tận dụng phát triển sản xuất bằng các mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ hơn 40 hộ nghèo phải thường xuyên cứu đói trước đây, nay chỉ còn 0,4% theo tiêu chí mới do thiếu lực lượng lao động. Xác định giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, căn cứ vào điều kiện thực tế cấp ủy Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận thôn đã tuyên truyền vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, canh tác nông nghiệp, chọn cây giống cây trồng, con vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên địa phương "ly nông" sang Lào lao động nên đời sống người dân dần được cải thiện nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện nay gần 60 triệu đồng/năm…

Các mặt hàng nông sản xã Hòa Khương được người tiêu dùng vùng nội thành tiếp cận.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, tuy không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xác định rõ sự cần thiết phải thực hiện chương trình này và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Một trong những nội dung được quan tâm nhiều hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới là công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân cùng chung tay góp sức tham gia bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, mục tiêu rõ ràng, có tổ chức, có người chịu trách nhiệm cụ thể, nên nhiều lĩnh vực địa phương đạt kết quả cao. Trong đó phải nhắc đến yếu tố mang tính quyết định là khơi thông sức dân, nhất là thực hiện những tiêu chí khó như hiến đất mở đường, chuyển đổi các mô hình kinh tế, giảm nghèo…

Có thể nói, về Hòa Khương trong những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân hồ hởi chia sẻ về những ruộng lúa, ruộng rau được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, khác xa những ngày vất vả "con trâu đi trước, cái cày đi sau". Họ làm lúa "khỏe re", tới vụ thu hoạch, chỉ cần "a-lô" là có máy về vừa cắt vừa đập, nhanh chóng xong cả cánh đồng. Chẳng những vậy, có đường xe máy còn chạy đến chân ruộng chở lúa về. Không còn cảnh xắn quần, lội bùn vác từng bó lúa như trước nữa… "Bây giờ, đi trên những con đường liên thôn, kiệt hẻm, giao thông nội đồng đã được thảm nhựa, bê-tông hóa, nhìn ngắm những ngôi nhà tầng khang trang, những trường học mới được xây dựng, những rừng keo bạt ngàn, những cánh đồng lúa "dồn điền đổi thửa" xanh mơn mởn, thế hệ chúng tôi thấu hiểu rằng, để có được mỗi tấc đất của Hòa Khương như hôm nay đã phải đổi bằng mồ hôi, công sức và máu xương của nhiều lớp người đi trước", Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Trí khẳng định.

VY HẬU