Khó khăn tái đàn lợn hậu dịch tả lợn Châu Phi

Thứ sáu, 13/03/2020 18:00

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát cuối năm 2018 khiến việc phát triển sản xuất, chăn nuôi lợn tại các địa phương trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Địa bàn TP Đà Nẵng cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy, ảnh hưởng đến đời sống, việc phát triển sản xuất của người dân... 

Nhiều hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn của người dân ở Hòa Vang vẫn chưa đảm bảo quy trình phòng chống dịch bệnh.

Tính đến cuối tháng 11-2019, toàn H. Hòa Vang có 1.862 hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh thuộc 11 xã, 99 thôn, phải tiêu hủy 14.632 con lợn, với trọng lượng 767.745kg, chiếm hơn 23% so tổng đàn lợn toàn huyện. Bên cạnh các hộ dân chăn nuôi lợn, còn có một số các trang trại, doanh nghiệp nuôi lợn tập trung, chủ yếu ở các xã như Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phú với số lượng đàn lợn khoảng hơn 26.000 con.

Ông Nguyễn Văn Lý - Trưởng phòng NN-PTNT H. Hòa Vang cho biết, ngay trong tháng 1-2020, huyện đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn 11 xã. Đồng thời UBND huyện đã triển khai kế hoạch tái sản xuất chăn nuôi sau dịch bệnh, với mục tiêu khôi phục sản xuất đối với đàn lợn gắn liền với chăn nuôi an toàn sinh học. Kế hoạch đã nêu rõ các điều kiện để đảm bảo tái đàn lợn sau dịch bệnh như, điều kiện về chuồng trại chăn nuôi, về nguồn con giống; công tác quản lý tái đàn... Giải pháp về môi trường; giải pháp về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Hiện nay Phòng NN-PTNT huyện đang đề nghị các địa phương và bà con nông dân nghiên cứu kế hoạch và tham gia đóng góp ý kiến để có hướng phát triển tái tạo đàn lợn tại địa phương mình.

Ông Ngô Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, một trong những địa phương trọng điểm về chăn nuôi ở Hòa Vang cho hay: Hiện địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh chuồng trại. UBND xã đã triển khai đề án, giãn quy mô chăn nuôi tại các khu vực tập trung đông dân cư, dọc trục đường ĐT605, những hộ dân nào trước đây chăn nuôi có đàn lợn đã nhiễm bệnh không được tái đàn. Theo đề án này, nếu trước thời gian dịch bệnh, Hòa Tiến có hơn 1.200 hộ dân chăn nuôi lợn, đến nay sau công bố hết dịch, sau khi kiểm tra về các quy định thú y, chỉ còn khoảng 130 hộ dân có thể đảm bảo tái đàn phát triển chăn nuôi lại đàn lợn. Trên địa bàn chỉ có các trang trại chăn nuôi lợn do các doanh nghiệp đầu tư tại các thôn Nam Sơn, Lệ Sơn 2, do đã làm tốt các quy trình về chuồng trại, kiểm soát tốt về giống, đầu vào, đầu ra của sản phẩm lợn nên đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh. Còn lại đối với hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là nguồn giống lợn. Hiện nay nguồn giống tại địa phương đã chết hết. Huyện đã khuyến cáo người dân nên mua giống lợn tại các cơ sở doanh nghiệp có nguồn gốc rõ ràng như, doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ; Công ty CP Green Feed; Công ty CP chăn nuôi Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng...

Tuy nhiên số lượng lợn giống cũng chưa có nhiều, giá thành lại đắt. Khó khăn nữa với người nông dân là phải đảm bảo hệ thống chuồng trại đúng quy trình, trước hết đòi hỏi người dân phải có diện tích đất rộng, xa khu dân cư, khi xây dựng phải có hệ thống xử lý nguồn chất thải, có hệ thống hầm biogas... Theo tính toán, xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi được 8-10 con lợn phải chi phí hết hơn 20 triệu đồng. Thành phố đã có kế hoạch hỗ trợ mỗi hộ dân chăn nuôi 5 triệu đồng để tái đàn lợn. Nhưng mức hỗ trợ này còn quá ít để người dân mua được con giống, xây dựng hệ thống chuồng trại. UBND huyện đang đề nghị thành phố xem xét, nâng mức hỗ trợ lên.

Cũng như ở Hòa Tiến, các địa phương khác ở Hòa Vang cũng rơi vào tình trạng tương tự, người nông dân nhận thức được rằng, muốn tái tạo đàn lợn, phát triển sản xuất, phải có địa điểm, mặt bằng đủ điều kiện, phải có kinh phí để xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn, quy trình an toàn về vệ sinh môi trường, để mua con giống an toàn. Đây là vấn đề mà chính quyền và ngành chức năng phải đặc biệt quan tâm khi người nông dân muốn tái tạo đàn lợn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

HỒNG THANH