Khó kiểm soát thực phẩm đầu vào

Thứ sáu, 18/12/2015 10:31

(Cadn.com.vn) - Ngày 17-12, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp với các sở, ban ngành và địa phương nhằm triển khai những kế hoạch, giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. 

"Con số đẹp"

Trong thời gian qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về VSATTP và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo được sự chuyển biến tích cực của người quản lý, người sản xuất, chế biến và tiêu dùng trong công tác đảm bảo chất lượng VSATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người. Trong năm 2015, thành phố chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ với 9 người mắc, không có tử vong. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm là 0,9/100.000 dân, đạt và vượt chỉ tiêu về ngộ độc thực phẩm do Trung ương giao là hơn 7/100.000 dân. Đặc biệt nhiều năm liền thành phố không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người, không có vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp. Ngoài ra, trong các năm gần đây thành phố chưa phát hiện trường hợp nào ngộ độc thực phẩm liên quan đến thực phẩm nhiễm các chất độc hại…

Tuy nhiên, theo các đại biểu thì đó là "con số đẹp" còn thực tế thì vẫn còn nhiều bất ổn. Đơn cử, hiện nay sản phẩm rau, củ quả, thịt mà Đà Nẵng tiêu thụ được nhập phần lớn từ các nơi khác về. Nhưng, việc kiểm soát nguồn gốc nơi sản xuất rau, quả và gia cầm, gia súc có an toàn hay không đến nay vẫn chưa có lời đáp. Việc kiểm tra ATTP chỉ mới thực hiện giám sát phần "ngọn" nên chưa đủ cơ sở để đánh giá mức độ ATTP của sản phẩm nhập từ các nơi vào Đà Nẵng.

Ngoài ra, việc thanh tra về ATTP chủ yếu kiểm tra về "hình thức" chứ chưa thể thanh tra, xử lý về "nội dung" như: sử dụng phụ gia ngoài danh mục hoặc vượt giới hạn cho phép, tồn dư hóa chất - chất độc hại, ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh… Bởi, để kiểm tra được "nội dung" và xử lý được vi phạm hành chính, đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài.

Đối với việc lấy mẫu giám sát, thông thường phải gửi đi các trung tâm có chức năng phân tích mẫu. Từ khi gửi mẫu phân tích cho đến khi có kết quả kiểm tra từ 5-10 ngày, do vậy việc lấy mẫu chỉ mang tính quan sát, không thể ngăn chặn tiêu thụ sản phẩm này. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn có chỗ trùng lắp, chỗ thì không kiểm soát hết…

Không kiểm soát hết

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cho rằng, vấn đề ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, phát triển giống nòi. Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần phải hết sức quan tâm, tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo cho được sức khỏe của người dân. Thời gian qua, các ngành, đơn vi, địa phương trên địa bàn thành phố đã có những nỗ lực trong công tác quản lý ATTP. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của đất nước, của thành phố thì rõ ràng hiện tại vẫn còn những việc liên quan đến ATTP chưa thể yên tâm được.

Theo đồng chí Đặng Việt Dũng, hiện nay, thực phẩm từ nơi sản xuất, phân phối đến bếp ăn gia đình, tập thể, nhà hàng, đường phố có những nơi, những chỗ vẫn chưa kiểm soát được. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn có chỗ trùng lắp, chỗ thì không kiểm soát hết. Ngoài ra, việc tổ chức kiểm tra không được diễn ra thường xuyên và các ngành đang gặp rất nhiều khó khăn về kiểm soát thực phẩm, nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, tình trạng bệnh tật của người dân liên quan đến vấn đề ATTP vẫn còn nhiều...

Trong thời gian tới, mục tiêu phấn đấu của thành phố là đảm bảo được chất lượng thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc một cách quyết liệt, phải làm hết sức mình. Trước mắt, Sở Y tế thành phố cần phối hợp các ngành xây dựng ngay kế hoạch kiểm soát và tuyên truyền về ATTP trước, trong và sau Tết Dương lịch và Âm lịch 2016. Trong đó, tập trung kiểm soát thực phẩm tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, siêu thị, nhà hàng... Cũng như, tiến hành xác định từng loại thực phẩm, rau củ quả, loại hàng hóa  để tiến hành kiểm tra. Đặc biệt, tập trung vào những món ăn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và đa số người dân dùng. Bên cạnh đó, cần tiến hành kiểm tra vào các đối tượng mà có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm…

Trong thời gian qua, CATP Đà Nẵng liên tục phát hiện, xử lý những cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo chất lượng.        

Xây dựng đề án bảo đảm an toàn thực phẩm

Đối với kế hoạch đảm bảo ATTP dài lâu, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đề nghị: Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở Y tế xây dựng đề án chung về kiểm soát ATTP. Cũng như, tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất thực phẩm sạch. Ngoài ra, trong phạm vi của mình, ngành NN&PTNT cần xây dựng tiêu chuẩn về ATTP cho tất cả các mặt hàng để có thể đánh giá các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT cần có buổi làm việc với các doanh nghiệp và xây dựng các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi phát triển rau, củ, quả, thực phẩm sạch trên địa bàn.

Đối với ngành Công thương, cần phải tập trung quản lý sản phẩm thực phẩm sau chế biến. Hiện tại trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm, chợ nhỏ thuộc phường, xã quản lý. Chính vì vậy, ngành Công thương cần tổ chức đánh giá lại các chợ, xem mức độ đảm bảo chất lượng ATTP ra làm sao rồi chỉ đạo cho địa phương trong phạm quy quản lý phải có lộ trình nâng cấp và đảm bảo ATTP trong từng chợ.

Ngoài ra, tập trung chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát những chợ cóc, chợ tạm và kiên quyết xóa bỏ vì đây là nơi tiềm ẩn mất ATTP… Riêng ngành Y tế thì phải làm sao quản lý cho được bếp ăn tại nhà hàng, bếp ăn tập thể, ăn uống đường phố. Cũng như, tập trung kiểm tra những chỉ tiêu có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất của người dân. Đặc biệt, cần phải tìm cho được giải pháp để tổ chức kiểm tra cho kết quả nhanh chóng, kịp thời.

Đối với ngành CA, cần tăng cường công tác kiểm tra và sớm đưa ra xử lý nhanh, xử lý sớm các trường hợp vi phạm ATTP và xử phạt hết khung những hành vi vi phạm, đối với trường hợp vi phạm pháp luật thì đề nghị truy tố và công khai những thông tin này thật nhanh, thật sớm để răn đe những trường hợp khác.  Ngoài ra, UBND các quận, huyện cần phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp, chi tiết đến từng người dân, làm sao từng người dân phải có đạo đức trong khi tham gia sản xuất cũng như không tiêu dùng thực phẩm bẩn, loại trừ những thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn của mình…

Trí Dũng