Khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Giải thoát” cho các nhà khoa học trong thực hiện đề tài

Thứ sáu, 08/01/2016 08:52

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-1, Bộ KH&CN họp báo thường kỳ quý IV-2015. Vấn đề “nổi lên” được giới khoa học và nhiều người quan tâm là việc ngày 30-12-2015 vừa qua, Bộ đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Liên quan đến những điểm mới của Thông tư này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh Thức nhấn mạnh: Thông tư 27 sửa đổi có vai trò rất quan trọng, thay thế cho Thông tư 93 được ban hành ngày 4-10-2006 không còn phù hợp, vì vậy Thông tư khoán chi được giới khoa học và công nghệ, chủ nhiệm đề tài “mong đợi”. Cùng với việc xác định nhiệm vụ tuyển chọn, xây dựng định mức, kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, khoán chi trong Thông tư 27 được sử dụng hai hình thức khoán chi là khoán chi từng phần và khoán chi tới sản phẩm cuối cùng.

Việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là nội dung rất mới, các sản phẩm đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng sẽ khoán hoàn toàn và khoán chi quan tâm đến sản phẩm, nội dung đã đặt hàng. Kết quả cuối cùng của đề tài được bàn giao và đưa vào ứng dụng, điều này đồng nghĩa với việc tăng kết quả nghiên cứu trong ứng dụng. Điểm mới trong khoán chi của Thông tư 27 là thủ tục thanh quyết toán đề tài, dự án đơn giản, thuận lợi, giúp “giải thoát” cho các nhà khoa học trong thực hiện đề tài. Bên cạnh đó, việc thanh quyết toán một lần theo hợp đồng thực hiện cũng tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài. Việc cấp kinh phí làm kế hoạch quyết toán theo năm, nhưng riêng đề tài, dự án khoa học công nghệ được quyết toán một lần theo hợp đồng, đây là một trong những điểm tạo thuận lợi nhất cho các nhà khoa học. 

Vấn đề được quan tâm nhiều là việc tổ chức thanh tra chuyên đề có nâng cao được chất lượng hàng hóa để người tiêu dùng yên tâm? Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng cho rằng: Việc tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng nhằm tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trong sản xuất, lưu thông trên thị trường. Trong số hơn 2.867 cơ sở được thanh tra, đã phát hiện tới 600 cơ sở sai phạm, tập trung vào vi phạm định lượng, nhãn hiệu hàng hóa... Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với xã hội.

Thu Hà