Khoảng cách hữu hình

Thứ bảy, 23/11/2013 10:45

(Cadn.com.vn) - Để hâm nóng mối quan hệ băng giá Tokyo-Bắc Kinh, một đoàn doanh nhân người Nhật có chuyến thăm đến thủ đô của quốc gia láng giềng, bắt đầu hôm 21-11, sau khi gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và một số quan chức cấp cao khác.

Đây là nhóm doanh nhân lớn nhất của Nhật Bản đến Trung Quốc kể từ khi quan hệ song phương hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á trở nên căng thẳng vào tháng 9-2012 do tranh chấp lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bất chấp những lời kêu gọi tiến đến những mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn, chuyến thăm không thể phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay.

Là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, Trung-Nhật đang rất cần nhau về mặt thương mại và hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, một khoảng cách hữu hình ngăn cản hai bên tiến lại gần nhau. Đó không gì khác là bế tắc chính trị về tranh chấp lãnh hải. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, tổng thương mại Nhật-Trung giảm 10,8% còn 147,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2013, giảm lần đầu tiên trong 4 năm qua, trong khi đầu tư vào Trung Quốc từ Nhật giảm 31%.

Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi trong năm nay sau hàng loạt chính sách tiền tệ và tài chính quy mô lớn của Thủ tướng Shinzo Abe, vốn nổi tiếng với tên gọi "Abenomics". "Abenomics" giúp đồng yên giảm giá và đẩy mạnh xuất khẩu vốn được coi là trụ cột kinh tế Nhật Bản. Là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với tiềm năng khổng lồ, Trung Quốc rất có nghĩa cho sự thành công của "Abenomics". Tuy nhiên, rất khó để duy trì phát triển và hợp tác kinh tế suôn sẻ giữa hai nước vốn vẫn luôn khẩu chiến kịch liệt.

Nếu các nhà lãnh đạo Nhật Bản tiếp tục những chuyến viếng thăm đền Yusukuni gây tranh cãi; nếu Trung Quốc có những chuyến viếng thăm "không mời mà đến" quanh khu vực quần đảo tranh chấp, cả hai đang tạo ra những cơn gió ngoại giao và chính trị ngược, gây bất lợi cho quan hệ kinh tế song phương. Và một khi quan hệ chính trị không ổn định, niềm tin cộng đồng doanh nghiệp hai bên chắc chắn sẽ bị lõm.

Xem ra, cụm từ "quan hệ kinh tế ấm áp, quan hệ chính trị lạnh" từng được sử dụng từ những năm 1990, mô tả mối quan hệ Trung-Nhật, giờ lại rất đúng với hoàn cảnh hiện nay.

Thanh Văn