Khoảnh khắc quý giá bên Bác

Thứ tư, 13/05/2015 09:38

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đến thăm AHLLVTND Huỳnh Thúc Bá ở nhà số 446-Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần Quân khu 5. Câu chuyện ông kể về ba lần gặp Bác Hồ và những tình cảm ấm áp của thành phố Đà Nẵng dành cho ông nghe thật cuốn hút.

Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ”

Ông Huỳnh Thúc Bá quê xã Duy Thành, Duy Xuyên (Quảng Nam). Đây là xã cách mạng kiên cường, nơi các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý hy sinh. Lớp thiếu niên cứ cao hơn cây súng tiểu liên AR -15 một tí là đã tham gia cách mạng. Riêng xóm Vinh Cường, thôn Phú Nhuận 3 của ông hiện nay có đến 2 Anh hùng LLVTND, 17 Bà mẹ VNAH, 47 liệt sĩ, 24 tù yêu nước. 12 tuổi làm du kích, sau đó bị lộ, Huỳnh Thúc Bá “nhảy núi” làm anh bộ đội với nhiệm vụ cứu thương, rồi y tá đại đội 1, Tiểu đoàn 72 (V10) bộ đội địa phương tỉnh. Các trận đánh nối tiếp nhau dồn dập.

Ông Bá lúc thì phục vụ chiến đấu, lúc thì trực tiếp chiến đấu trên 65 trận; cấp cứu tại chỗ và đưa về cứ an toàn hàng trăm thương binh với tinh thần: “Còn người, còn chiến đấu, thà chết chứ quyết không để thương binh, tử sĩ sa vào tay giặc”. Với những chiến công xuất sắc, ông được Đại hội thi đua Quân khu 5 tuyên dương ngọn cờ đầu ngành quân y. Năm 1967, khi tròn 23 tuổi, ông được tuyên dương anh hùng LLVTND. Điều thú vị là không chỉ riêng ông, Đại đội 1 có đến 3 chiến sĩ nữa được tuyên dương anh hùng từ 1965-1968 đó là Trần Dưỡng, Đồng Phước Quyến, Hồ Xuân Quang. Riêng ông và anh hùng Trần Dưỡng được vinh dự gặp Bác.

Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá (người đứng bên Bác Hồ)
và các anh hùng, dũng sĩ miền Nam (năm1969).

Tháng 5, kỷ niệm sinh nhật Bác, ông bồi hồi khi chạm vào ký ức. Đó là năm 1968, dịp sinh nhật lần thứ 78 của Người, nghe tin đoàn ra miền Bắc chữa bệnh, Bác liền cho gọi ông vào cùng với anh hùng Trần Đình. Cả hai đều người Quảng Nam. Bác hỏi thăm rất nhiều, xem những vết thương trên cơ thể, hỏi han bệnh sốt rét đang hành hạ ông. Bác gửi bánh ga-tô và bảo: “Cháu Bá mang quà về cho anh em miền Nam, nói là quà Bác Hồ tặng nhé”. Lần thứ hai ông lại được gặp Bác là tháng 9-1968, khi đó ông vinh dự có mặt trong đoàn 50 anh hùng, dũng sĩ miền Nam được gặp Bác ở hội trường Ba Đình.

Trước khi trở lại miền Nam, ông may mắn được gặp Bác lần thứ 3 vào đầu năm 1969. Khi đoàn vào Phủ Chủ tịch, Bác lại gần và hỏi: “Cháu Bá đã hết sốt rét chưa, học tập có tốt không?” Chao ôi, Bác có bao nhiêu việc trên đời, vẫn nhớ đến đứa cháu miền Nam bị sốt rét hôm nào. Chỉ vào tấm ảnh được ông treo trang trọng ở phòng khách, Đại tá Huỳnh Thúc Bá gương mặt rạng rỡ khi nhớ lại tuổi thanh xuân của mình: “Trong lúc mọi người thưa chuyện với Bác, tôi nhìn Bác chăm chú. Đôi mắt sáng như sao, vầng trán mênh mông, chòm râu sao mà đẹp thế. Bác hiền từ, thân thiết biết bao. Quá sung sướng, kính yêu Bác, tôi đưa tay vuốt nhẹ chòm râu mềm mại và trắng như cước của Bác mà lúc vào tuổi thiếu niên nhiều đêm tôi vẫn thấy trong mơ. Có nhà báo đã chụp được khoảnh khắc hồn nhiên ấy để tôi có một hình ảnh quý giá về Bác đến hôm nay”.

Bác còn tặng ông tấm khăn len. Tấm khăn ấy, ông đưa vợ ông cất giữ trong suốt những năm ông vào Nam chiến đấu. Sau khi Bác mất, đang học ở Học viện Chính trị, ông được gọi về thọ tang Bác. Với bộ quân phục, mũ tai bèo, vai đeo băng tang, ông cùng các anh  hùng Kan Lịch, Tạ Thị Kiều, Trần Đình đứng 4 bên linh cữu của Bác. Vì quá xúc động, nhất là các cô gái, nên cả đoàn chỉ đứng hơn 5 phút, nhưng giây phút đau thương ấy theo ông mãi không thể nào quên.

Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá (thứ 6, hàng đứng từ trái sang)
với các CCB AHLLVTND thành phố Đà Nẵng (4-2015).

Niềm động viên lớn lao

Những năm tháng ở miền Bắc, ông Bá còn được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh Võ Nguyên Giáp; gặp các nguyên thủ các nước mà ông đến thăm như Mao Trạch Đông (Trung Quốc), Kim Nhật Thành (Triều Tiên), Todor Zhivkov (Bun-ga-ri), tham dự Festival thanh niên quốc tế lần thứ 9. Những câu chuyện của ông kể về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta làm xúc động nhiều người.

Điều thú vị là, sau khi ông ra Bắc, người bạn gái của ông làm quân y ở chiến trường Quảng Nam là Nguyễn Thị Kim Tiến cũng được ra Bắc. Họ cưới nhau và có những năm tháng ấm áp ở hậu phương lớn. Nhưng số phận lại thử thách sự chịu đựng của hai người. Do ông bị chất độc da cam nên Giang, đứa con gái đầu lòng sinh ra đã bị liệt cơ. Vợ ông vô cùng khổ sở, ngược xuôi tìm thầy thuốc chữa cho con. Ông vào Nam chiến đấu, mang theo nỗi lo nặng trĩu về gia đình. Tiếp sức cho con trai, năm 1973, mẹ ông là cụ bà Hồ Thị Huyến hoạt động trong Hội phụ nữ xã, mẹ của 2 liệt sĩ đã từ quê lên căn cứ thăm ông. Khu ủy 5 đã bố trí cho bà ra Bắc an dưỡng và thăm cháu nội. Bà đã chăm sóc cháu cho con dâu đi làm, là điểm tựa vững chắc để ông Bá tiếp tục chiến đấu. Trở về quê sau ngày giải phóng và năm nay đã 97 tuổi nhưng cụ bà vẫn rất minh mẫn khi kể về những ngày tháng trèo đèo lội suối ra Bắc.

Thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh rất quan tâm đến anh hùng Huỳnh Thúc Bá, nhiều lần đến thăm tận nhà và hỗ trợ gia đình ông. Ông Huỳnh Thúc Bá còn được đại diện cùng đoàn cán bộ CCB Đà Nẵng ra Hà Nội gặp Chủ tịch nước. Đặc biệt chuyến đi trong đoàn đại biểu thành phố đi thăm thủ đô nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010 để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Tại đây ông đã gặp lại những anh hùng, dũng sĩ ngày nào đã từng gặp Bác và cùng có mặt trong một tấm ảnh lịch sử như Tạ Thị Kiều (Bến Tre), Kan Lịch (Thừa Thiên-Huế).

Hơn 40 năm rồi, họ vẫn nhận ra nhau, mừng vui khôn xiết. Suốt chiều dài chuyến đi, họ cùng ông lại những kỷ niệm ngày gặp Bác, nhất là lúc tranh nhau được ở sát bên Bác Hồ, được vuốt chòm râu của Bác. Họ như còn thấy đâu đây gương mặt phúc hậu như ông tiên và bàn tay gầy guộc xoa đầu từng đứa cháu yêu. Chính tình cảm của Bác đã động viên ông và các anh hùng, dũng sĩ miền Nam tiếp tục chiến đấu và phục vụ cho đất nước, xứng đáng với sự tin yêu của Người.

Hồng Vân