Khởi chiếu chùm phim tài liệu dịp kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam

Thứ sáu, 24/04/2020 20:57

Nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất 5 bộ phim tài liệu, thể hiện góc nhìn mới về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hình ảnh trong phim.

Đây là 5 bộ phim trong Đề án phim tài liệu dài tập "Con đường đã chọn" của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Dự án phim này gồm 22 tập, xoay quanh bối cảnh từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến thời đại hiện nay. Nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 5 tập phim tiếp theo của dự án (từ tập 15-19) tập trung kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, tập 15 có tên gọi "Tiến công chiến lược", kể về giai đoạn năm 1972. Thời điểm đó, lực lượng các bên trên chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi, trong khi đó ở Hội nghị Paris Mỹ vẫn chủ trương đàm phán trên thế mạnh. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam. Kết thúc cuộc tấn công năm 1972, quân Giải phóng đã giành được thắng lợi lớn trên khắp các mặt trận. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã sử dụng B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng trận "Điện Biên Phủ trên không" ở thủ đô Hà Nội đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân về nước.

Tập 16 có tên "Đòn thăm dò", nói về kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất. Quân Giải phóng tổ chức những trận đánh lớn để thăm dò phản ứng của Mỹ; đặc biệt là chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tỉnh đầu tiên ở miền Nam đã được giải phóng. Đây cũng là đòn trinh sát chiến lược để Bộ Chính trị đưa ra kết luận rằng Mỹ không có khả năng đưa quân quay trở lại miền Nam Việt Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, Chiến dịch Buôn Ma Thuột là trận then chốt, mở màn bằng chiến thắng hoàn hảo. Tập 17 "Điểm huyệt Tây Nguyên" tập trung vào trận đánh trong Chiến dịch Buôn Ma Thuột. Việc chọn hướng tiến công, nghệ thuật nghi binh tạo thế bí mật, bất ngờ, đánh chia cắt, giữ quyền chủ động là nét đặc sắc của quân sự Việt Nam, buộc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải rút khỏi Tây Nguyên. Chiến thắng này đã đưa cách mạng nước ta sang giai đoạn phát triển nhảy vọt trong cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Tập 18 "Đánh trong hành tiến" kể về thời cơ mang tính lịch sử khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm: Chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, huy động mọi sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi tới toàn bộ các tỉnh miền Trung, các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ, chuẩn bị cơ sở vật chất để bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tập 19 "Thống nhất đất nước" là câu chuyên về quá trình quân Giải phóng đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, tiến công thẳng vào Sài Gòn - Gia Định. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Lực lượng tương đương năm quân đoàn của quân Giải phóng đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương và nhân dân, chia thành năm mũi giáp công, lần lượt phá vỡ và tiêu diệt gọn hệ thống phòng thủ của quân Sài Gòn. Chiến thắng cuối cùng được xác lập vào 11 giờ 30 ngày 30-4-1975. Thành phố Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn trong ngày Giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc hơn 100 năm đô hộ của chế độ thực dân cũ và mới trên toàn bộ đất nước Việt Nam, non sông thu về một mối, Nam - Bắc một nhà.

5 tập phim đều do NSND Lê Thi làm tổng đạo diễn; nhà biên kịch Lại Văn Sinh cùng các đạo diễn là NSND Lưu Quỳ, NSƯT Phạm Huyên, Bùi Chí Trung, Trần Vũ Anh... thực hiện. Đặc biệt, trong 5 tập phim tài liệu này có sử dụng hình ảnh tư liệu 16mm thu được của quân đội Sài Gòn do Điện ảnh Quân đội nhân dân quản lý, lưu trữ, giải mã và lần đầu được công bố.

 Theo NSND Lê Thi, tổng đạo diễn các tập phim, 5 tập phim này khái quát từng giai đoạn lịch sử của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, 5 tập phim còn cho người xem thấy được tiến trình lịch sử trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ trận thăm dò Phước Long đến trận đánh Buôn Ma Thuột, sau đó là kế hoạch 2 năm của Bộ Chính trị và tiếp tục tiến vào giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Phương Lan