Khởi đầu mới
(Cadn.com.vn) - Ankara hứa sẽ giúp ngăn chặn dòng người di cư đến Châu Âu để đổi lấy tiền mặt, thị thực và các cuộc đàm phán mới về việc gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) trong thỏa thuận lịch sử mà Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gọi là "sự khởi đầu mới" cho quan hệ hai bên.
Đây là kết quả đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Bỉ tối 29-11 (giờ địa phương), vốn được tổ chức nhằm hoàn thành thỏa thuận mà các nhà ngoại giao đã vạch ra trong tháng qua, trong bối cảnh người Châu Âu phải đấu tranh để giảm căng thẳng bao phủ lên khối 28 quốc gia về cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Ban đầu, lịch sử lâu dài về sự cảnh giác giữa Brussels và Ankara, cùng với những lo ngại của Châu Âu về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Syria, bao gồm cả việc bắn hạ chiến đấu cơ Nga vừa qua khiến các cuộc đàm phán diễn ra khó khăn. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã phải nhấn mạnh sẽ không thể có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng người tị nạn nếu như không có sự hợp tác giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. Và các bên đã đạt kết quả ngoài mong đợi.
Yếu tố quan trọng trong thỏa thuận là EU nhất trí hỗ trợ 3 tỷ EUR (3,2 tỷ USD) cho Ankara để nước này hợp tác nỗ lực ngăn chặn hơn 2 triệu người di cư Syria - hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ - đến các nước Châu Âu. Ngoài ra, EU cũng nhất trí sẽ đẩy nhanh quá trình xem xét cho Ankara gia nhập vào liên minh này, cũng như sớm dỡ bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Ankara sẽ thực hiện việc nhận trở lại người bị bác đơn tị nạn ở EU từ tháng 6-2016, đồng thời kiểm soát tốt hơn đường bờ biển và chống lại các đường dây buôn người để chặn dòng người di cư đến lục địa già.
Rõ ràng, trong bối cảnh Châu Âu đang tuyệt vọng tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhấn chìm cả châu lục cũng như đối mặt với những vấn đề nảy sinh cho tương lai của khu vực Schengen, Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy một cuộc mặc cả có lợi nhất cho họ. Thực tế, người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc miễn thị thực đi lại cho các quốc gia vùng Schengen (khu vực được miễn thị thực đi lại) của Châu Âu.
Đây cũng là kết cục mà Ankara hướng đến trong bối cảnh họ muốn làm sống lại mối quan hệ với các nước láng giềng Châu Âu sau nhiều bế tắc vì phải đối mặt với rắc rối ở Trung Đông và khi mối quan hệ với Nga đang căng thẳng.
Thanh Văn