Khơi dậy sự năng động của người dân

Thứ tư, 11/04/2018 10:40

Sau gần 2 năm triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, thôn Nam Thành (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đã huy động nguồn lực 660 triệu đồng, trong đó, ngoài phần hỗ trợ của các cấp chính quyền, người dân địa phương đã tự nguyện đóng góp hơn 260 triệu đồng, 300 ngày công để bê-tông hóa thêm 2km đường giao thông kiệt hẻm rộng từ 3,5m đến 4,5m. Đến nay, so với Bộ tiêu chí "Thôn kiểu mẫu NTM" của huyện, Nam Thành đạt 12/12 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người 45 triệu đồng/năm, cao hơn thu nhập bình quân đầu người toàn xã gần 5 triệu đồng... "Nông thôn bây giờ đâu thua gì thành thị, ô-tô chạy bon bon trên đường làng, nhà cửa khang trang, rộng rãi. Có sân chơi thể thao, nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt tinh thần cho nhân dân. Quê hương đổi thay rõ rệt, người già chúng tôi rất phấn khởi. Vui vì đời con, đời cháu mình sau này sẽ có được cuộc sống đầy đủ hơn, việc làm cũng nhiều hơn" - lão nông Trần Văn Tới khoe với chúng tôi.

Người dân Nam Thành dám nghĩ, dám làm ở vùng đất đồi hoang hóa.

Để trở thành thôn kiểu mẫu NTM, thời gian qua, Nam Thành phải nỗ lực từ những việc làm nhỏ nhất, từ chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, gương mẫu trong nếp sống, sinh hoạt đến việc cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập. Cả thôn có 193 hộ dân, thì mỗi hộ là một gia đình kiểu mẫu. Chuyện xích mích, cãi cọ, vứt rác bừa bãi... ở thôn không mấy khi xảy ra. Theo Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Huy, tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất, song, với nhiều cách làm thiết thực như phối hợp với các ngành chức năng của huyện, xã tổ chức tập huấn phân loại rác thải cho nhân dân; vận động nhân dân đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật hằng tuần và đặc biệt là duy trì, củng cố hoạt động các mô hình bảo vệ môi trường của các hội, đoàn thể tại thôn gắn với từng đoạn đường đảm nhiệm. Từ đó, ý thức của người dân được nâng lên rõ nét, họ không chỉ tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường mà còn nhiệt tình đóng góp kinh phí mua các loại hoa, cây xanh trồng ven đường.

Có thể nói, việc xây dựng thôn kiểu mẫu đã mang đến luồng sinh khí mới, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều. Với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đang dần "đánh thức" những vùng đất đồi hoang hóa. Chính vì vậy, ngoài việc khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi hộ gia đình, chính quyền địa phương còn chỉ đạo ban ngành, đoàn thể lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các ngành chức năng của huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, định hướng cho thôn triển khai thực hiện tốt các vùng sản xuất chuyên canh phát triển kinh tế hiệu quả, như: cơ cấu giống cây trồng, sản xuất rau an toàn, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung...

Rõ ràng, trong xu thế đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn ngày càng giảm dần, nhưng hiệu quả sản xuất từng bước nâng cao. Trong sự chuyển động ấy, người nông dân - chủ thể sản xuất đã uyển chuyển đổi mới sản xuất, thay đổi cách tiếp cận thị trường trong bối cảnh mới và mở ra nhiều triển vọng phát triển ở tương lai. "Bây giờ, đến bất cứ nơi nào trong thôn cũng đều nghe nông dân "xôn xao" bàn chuyện làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì và cả những thuận lợi, khó khăn. Người thì nuôi cá nước ngọt theo mô hình trang trại, ao vườn, người thì phát triển chăn nuôi gia súc, mở rộng diện tích giống cây trồng. Trong muôn vàn cách để nâng cao thu nhập, chúng tôi chọn cách khơi dậy sự năng động, ý chí vươn lên của người dân. Cách làm này, mới đầu tưởng chừng khó khăn, nhưng lại hiệu quả không ngờ, bởi lẽ, không người nông dân nào muốn mình bị thụt lùi so với hàng xóm. Những cuộc ganh đua thầm lặng đã tạo ra động lực mạnh mẽ để họ vươn lên ổn định cuộc sống" - Trưởng thôn Nam Thành Nguyễn Trung đúc kết.

VY HẬU