Khởi nghiệp: Nhu cầu nhiều, nhà đầu tư chẳng có bao nhiêu
(Cadn.com.vn) - Sau một thời gian triển khai, chương trình ươm tạo Khởi nghiệp Khóa I – DNES 2016 với sự tham gia của 8 dự án khởi nghiệp tiêu biểu đã tạo những tín hiệu vui cho hoạt động ươm tạo, khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng. Sáng 27-7, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp (ĐPMLKN) thành phố đã có buổi sơ kết và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thực hiện mục tiêu xây dựng “thành phố khởi nghiệp”, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã có hàng loạt chính sách ưu đãi đối với hoạt động khởi sự và ươm mầm doanh nghiệp. Đặc biệt, giữa tháng 1-2016, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng được thành lập với mục tiêu hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng bước đầu đã tạo được làn sóng khởi nghiệp của các bạn trẻ. Sự ra đời của Vườn ươm doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho những bạn trẻ có đam mê và hoài bão xây dựng, phát triển kinh doanh.
Các bạn trẻ Đà Nẵng tham gia Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng-Startup Fair 2016. |
Theo ông Lý Đình Quân - Phó Giám đốc điều hành Cty TNHH đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng (DNES), trong 6 tháng vừa qua, DNES đã triển khai Chương trình ươm tạo Khởi nghiệp Khóa I – DNES 2016 với sự tham gia của 8 dự án khởi nghiệp tiêu biểu của thành phố là Zody, Linger, Vút Bay, Đặc Sản Việt, Minh Hồng, Tara, Noi TOB, InDanang, và nhận được sự ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương, các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia, nhà tư vấn, nhà đầu tư. Kết thúc chương trình ươm tạo, các dự án đã đạt được những thành quả nhất định: 8/8 nhóm có các bước tiến trong việc hoàn thiện sản phẩm; 7/8 nhóm tăng nhân sự: với tổng số nhân sự tăng thêm là 27 người; 6/8 dự án có tăng trưởng người dùng/khách hàng; 5/8 dự án có tăng trưởng doanh thu; 4/8 nhóm đang thương thảo đầu tư, trong đó có 1 nhóm đã gọi được vốn đầu tư và 1 nhóm đã xin được vốn tài trợ. Nhìn chung, các dự án này đã có sự tăng trưởng về doanh thu, khách hàng và cũng đã thu hút được nhà đầu tư quan tâm đến các dự án.
Tuy nhiên, qua khóa đào tạo thứ I cho thấy, hoạt động khởi tạo doanh nghiệp đã tạo được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đơn vị, sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng cũng đặt ra nhiều bất cập trong chính sách hỗ trợ, thiếu mạng lưới các nhà tư vấn; việc phát triển mạng lưới khởi nghiệp đến các trường ĐH còn gặp khó khăn, các bạn trẻ khởi nghiệp còn thiếu nhiều kiến thức, chưa thu hút nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư thiên thần... Điều này đòi hỏi ngoài những chính sách đã có, TP Đà Nẵng cần tập trung xây dựng chiến lược lâu dài từ khâu đào tạo đến những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng Viện đào tạo Việt – Anh cho biết, để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng, Viện đã có nhiều hoạt động, trong đó thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm khởi nghiệp được 7 tháng nay, hiện thu hút hơn 400 sinh viên tham gia. Qua đó, trung tâm đã chọn ra 3 nhóm để đưa đi đào tạo tại học viện công nghệ cao ở Ailen. Cũng theo bà Hương, qua điều tra của Viện cho thấy, nhu cầu khởi nghiệp của các bạn trẻ rất lớn, nhưng còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề này.
“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu khởi nghiệp của các bạn trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, khi được hỏi thì các bạn cho thấy còn thiếu nhiều kiến thức từ khâu hình thành ý tưởng, lập kế hoạch, quản lý dự án, kinh doanh... đến khâu hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm. Từ đó, chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp để đưa vào giảng dạy, giúp các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp xây dựng được những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng cao...”, bà Hương nói. Được biết, những chương trình dạy về khởi nghiệp này trong thời gian tới sẽ được đưa vào giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Đứng trên cương vị lãnh đạo của một doanh nghiệp, cũng có quá trình khởi nghiệp gian nan, ông Phan Hải - Giám đốc Cty giày BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng: Mục tiêu của thành phố đặt ra là thương hiệu “thành phố khởi nghiệp”, thương hiệu này khác với thương hiệu sản phẩm, vì vậy thành phố cần phải xác định lợi thế cạnh tranh của mình (có Hội đồng ĐPMLKN, có sức thu hút du khách) để thu hút nhà đầu tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đầy đủ để thu hút các bạn trẻ, những người đam mê khởi nghiệp tham gia.
Trong khi đó, ông Võ Duy Khương-Chủ tịch Hội đồng ĐPMLKN thành phố thẳng thắn: Hiện nhà đầu tư vào đất, vàng, chứng khoán thì nhiều nhưng nhà đầu tư vào khởi nghiệp vẫn chưa có. Theo ông Khương, việc tổ chức khởi sự doanh nghiệp của Việt Nam chậm hơn thế giới cả chục năm, trong khi đó khởi nghiệp ở Đà Nẵng lại còn chậm hơn so với Hà Nội, TP HCM, nên cần phải huy động toàn bộ các ngành, các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc thì mới có thể thực hiện được ý tưởng và kế hoạch đã đưa ra. Trong thời gian tới, Hội đồng ĐPMLKN sẽ đề xuất phương án hoàn thiện khung pháp lý cũng như các chương trình dài hạn để trình lãnh đạo thành phố.
Tại buổi sơ kết, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đánh giá cao sự nỗ lực của Hội đồng ĐPMLKN, Vườn ươm doanh nghiệp cũng như sự đóng góp của các sở, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong hoạt động khởi nghiệp 6 tháng qua, và cho rằng sự khởi đầu này đã có kết quả đáng ghi nhận. Dịp này, ông Hồ Kỳ Minh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động khởi nghiệp, tạo được dấu ấn cho hoạt động khởi nghiệp tại Đà Nẵng.
Nguyễn Tuấn