Khởi nghiệp từ trùn quế

Thứ sáu, 27/04/2018 17:00

Tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng Đại học Bình Dương năm 2013, Nguyễn Văn Hòa (1990, xã Đăk Hlơ, H. Kbang, Gia Lai) được tuyển dụng vào làm ở một ngân hàng thương mại tại Đồng Nai. So với bạn bè cùng trang lứa thì đó cũng là công việc ổn định. Sau một năm trải qua công việc, thấy không ổn, Hòa quyết định bỏ việc, tự tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Trở về mảnh đất Kbang, một huyện nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai, Hòa trăn trở bởi dù là vùng đất trù phú, khí hậu hài hòa nhưng để phát triển kinh tế nông nghiệp trồng cây gì, nuôi con gì vẫn là bài toán cần tìm lời giải. "Sau nhiều lần thực tế và tham khảo trên mạng Internet, em thấy con trùn quế vừa hợp khí hậu ở đây cũng như nguồn thức ăn là các sản phẩm phụ nông nghiệp, phân gia súc rất phong phú. Không những thế, đầu ra rất "hấp dẫn" khi con trùn quế không chỉ cung cấp nguồn phân cho cây trồng mà nó cũng là nguồn thức ăn hữu hiệu cho nhiều loại động vật khác", Hòa cho hay.

Trại trùn quế của Hòa được nhiều người dân đến tìm hiểu.

Quyết định bỏ ra vài chục triệu đồng xây dựng mô hình và mua về nuôi thử. Những ngày đầu tiên dù chăm chút từng tí một nhưng cả tổ hợp trùn quế chậm lớn khiến Hòa lo lắng. Thế là Hòa ngược vào miền Nam tìm đến những cơ sở trùn quế lớn để học tập. Trở về với những "vốn liếng" đã học được, Hòa tận dụng những khoảnh đất trống của gia đình để xây dựng từng chuồng nuôi trùn. Thấy Hòa cứ lặn lội bên những vuông nuôi trùn đào xới, ngắm nghía, "tắm" cho đàn trùn nhằm giữ độ ẩm, người thân cũng thấy "xót". "Dù đã có chút kiến thức nhưng em phải vừa làm vừa học bởi khí hậu mỗi nơi mỗi khác, làm sao để trùn giống sớm sinh sôi, sinh trưởng mạnh", Hòa cho biết. Rồi những ngày tháng nỗ lực, lăn lộn bên những vuông nuôi trùn đã mang lại kết quả khi trùn bắt đầu sinh sôi mạnh. Những tổ hợp trùn ngày càng lớn nhanh, chỉ chừng 4 tháng đầu tư, Hòa đã có thể thu phân trùn, trùn thịt và tiếp tục nhân giống. Nhu cầu khách hàng luôn cao, thế nên Hòa nhanh chóng bán ra 60.000-70.000 đồng/kg và 3 triệu/tấn phân trùn quế. Hòa cho biết thêm: "Từ khi bắt đầu vào tìm hiểu hướng khởi nghiệp cho mình, em thấy trùn quế là một giải pháp tốt về môi trường. Trong điều kiện độ ẩm từ 55-80% và khung nhiệt 24-35%, trùn quế sẽ phát triển rất tốt. Cứ 1m2 trùn quế nuôi trong 4-6 tháng sẽ thu về 4-5kg trùn và hàng trăm kg phân trùn. Phân bón không chỉ tốt cho cây trồng mà trùn quế là loại thức ăn rất tốt cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản".

Từ những "mẻ" trùn quế đầu tiên được tiêu thụ mạnh, Hòa mạnh dạn tìm thêm đối tác rồi tiếp tục đầu tư giống, kỹ thuật. Đến giờ, trang trại trùn quế của Hòa đã mở rộng trên diện tích 4.000m2. Đặc biệt, là Phó Bí thư đoàn xã Đăk Hlơ, Hòa đã giúp đỡ thêm nhiều thanh niên bản địa còn khó khăn trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng hình thức liên kết, Hòa đứng ra tổ chức xây dựng các mô hình nuôi trùn quế và hỗ trợ từ 20-80 triệu đồng cho mỗi mô hình rồi thu dần bằng sản phẩm. Đến nay, đã có 38 cụm trại trùn quế theo mô hình liên kết này được hình thành ở nhiều xã, thị trấn của huyện Kbang với sự thu hút gần 100 đoàn viên thanh niên cùng nông dân tham gia. Mỗi năm những trại trùn quế này xuất bán ra thị trường hơn 600 tấn phân trùn và hàng trăm tấn trùn thịt. Những sản phẩm trùn quế Gia Lai từ mô hình của Hòa đã được nhiều khách hàng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả nước bạn Lào đón nhận. Hòa mong muốn những năm tới sẽ mở rộng quy mô những trại nuôi trùn quế đồng thời nghiên cứu cho ra những sản phẩm từ trùn quế nhằm tăng thu nhập.

Năm 2017, Hòa đã đưa mô hình này tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Gia Lai phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Gia Lai tổ chức và đạt giải nhất. Bởi không chỉ khởi nghiệp làm giàu từ ngay trên mảnh đất quê hương của mình, Hòa đã giúp cho nhiều thanh niên, nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế hộ gia đình mang lại hiệu quả. Cùng với đó, hàng nghìn tấn phân bón từ trùn quế đã được người dân sử dụng vào các vườn cây ăn trái ở huyện Kbang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình thực sự hiệu quả, hướng tới mô hình nông nghiệp sạch, bền vững trên địa bàn. Với thành công từ mô hình khởi nghiệp này, nhiều nông dân từ nơi xa khác đã đến tìm hiểu để học hỏi mô hình nuôi trùn quế của Hòa. Ông Trương Văn Đạt, Bí thư Huyện ủy Kbang cho biết: "Sản phẩm phân bón từ trang trại của Hòa đã giúp nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, đạt chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Qua tìm hiểu cho thấy nhu cầu sử dụng loại phân bón tự nhiên này rất lớn. Huyện cũng bàn bạc để có kế hoạch hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để giúp thanh niên khởi nghiệp từ mô hình nuôi trùn quế này và trồng cây ăn trái trên địa bàn...".

MINH TÂN