Khôi phục nghề dệt dồ truyền thống Xơ Đăng

Thứ năm, 26/02/2015 10:12

(Cadn.com.vn) - Người Xơ Đăng ở Quảng Nam sống tập trung tại các xã vùng cao H. Nam Trà My. Đây là dân tộc có truyền thống dệt vải, nhất là nghề dệt dồ (dệt thổ cẩm) nổi tiếng từ xưa đến nay.

Bà Hồ Thị Kim Thiên, nghệ nhân ở xã Trà Linh gắn bó với nghề dệt dồ hơn 30 năm qua, luôn trăn trở tìm cách khôi phục và duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình. Ngay từ lúc nhỏ, cô bé Thiên đã được mẹ tập cho làm quen với kêvai (khung dệt), tập làm các kariêu, karuông, kaxa (các con thoi to, nhỏ) rồi học kéo sợi, phối màu, các họa tiết hoa văn để dệt nên những tấm dồ, tấm choàng, chiếc khố, áo váy... Tuy nhiên, nghề dệt dồ truyền thống của người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh có nguy cơ mai một vì đại bộ phận phụ nữ trẻ không được truyền nghề một cách bài bản.

Từ năm 2006, khi H. Nam Trà My triển khai chương trình khôi phục làng nghề dệt dồ tại địa phương, bà Thiên vui lắm. Ngôi nhà của bà trở thành nơi truyền nghề cho lớp trẻ. Những lúc nông nhàn, những ngày mưa gió không lên rẫy, những phụ nữ trong bản lại tụ tập nhau dệt dồ. Người già dạy cho lớp trẻ, người có kinh nghiệm chỉ thêm cho người mới vào nghề, cả đàn ông và trẻ con cũng hào hứng tham gia. Theo bà Thiên, thu nhập của nghề dệt dồ tùy thuộc vào từng loại và giá trị của mỗi sản phẩm. Giá bán tại chỗ của mỗi sản phẩm từ 500.000 - 700.000 ngàn đồng. Tiền công mỗi ngày dệt khố, áo váy từ 40.000 - 45.000 đồng.  “Trước đây, người già trong làng ai cũng biết dệt dồ, nhưng do chiến tranh nên ít người còn làm nghề. Nay được huyện quan tâm đầu tư khôi phục nên dân mình vui lắm vì dệt dồ vừa giữ được nghề truyền thống vừa có thêm việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình”-bà Thiên nói.

Khôi phục nghề dệt dồ truyền thống Xơ Đăng.

Từ năm 2006, chương trình dạy nghề dệt dồ được Phòng Công thương H. Nam Trà My triển khai tại 2 xã Trà Nam và Trà Linh với 35 bộ khung dệt, thu hút hơn 40 chị em phụ nữ địa phương tham gia học nghề. Huyện đã mời 10 nghệ nhân còn giữ được kỹ thuật dệt để dạy cho các học viên. Các sản phẩm được tập trung khôi phục và truyền nghề cho các học viên chủ yếu là tấm dồ, váy, khố, thổ cẩm và nhiều loại khăn choàng. Để dệt hoàn thiện mỗi sản phẩm người thợ phải cần mẫn làm việc từ 3 đến 4 ngày, do công đoạn dệt các hoa văn và họa tiết tốn thời gian.

Đối với các tấm dồ, hoa văn phải giống hệt như họa tiết vẽ trên cây nêu trong các lễ hội đâm trâu của người Xơ Đăng. Thời gian đầu khôi phục các tổ dệt dồ, sản phẩm dồ, thổ cẩm được dệt ra được may thành những bộ trang phục truyền thống cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú. Huyện cũng giao về cho các đội cồng chiêng thiết kế thành sắc phục mặc trong các ngày lễ hội nhằm phát huy nét đẹp văn hóa của người Xơ Đăng, đồng thời quảng bá ra các địa phương khác trong các dịp lễ hội, các sự kiện của địa phương và trong nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng.

Ông Lê Ngọc Kích-Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết, chương trình khôi phục nghề dệt dồ của đồng bào Xơ Đăng được đầu tư 120 triệu đồng mỗi năm. Ngoài những khung dệt nằm rải rác trong nhà dân, huyện đã khôi phục 15 tổ dệt dồ tại các xã Trà Linh và Trà Nam. UBND huyện hỗ trợ mỗi tổ 40 triệu đồng mua sắm khung dệt, nguyên liệu và tổ chức hướng dẫn nghề dệt dồ cho phụ nữ. Khôi phục và mở rộng làng nghề dệt dồ là chủ trương của huyện và là nguyện vọng chung của nhân dân, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào.

Chủ trương đã có, người dân cũng phấn khởi với việc phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc mình, nhưng khó khăn hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Giống bông địa phương làm nguyên liệu rất tốt, khi nhuộm sợi chỉ có màu đẹp, dệt sản phẩm bán được giá cao nhưng trồng thì trái nhỏ, năng suất thấp. Giá thành sản phẩm dệt dồ khá cao so với thu nhập của người dân địa phương. Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu, H. Nam Trà My triển khai dự án thử nghiệm giống bông cho năng suất cao để chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào gieo trồng trên diện rộng.

Về đầu ra của sản phẩm nghề dệt dồ, từ năm học 2007-2008, huyện quyết định cấp kinh phí hỗ trợ 20 trường tiểu học và THCS may đồng phục cho hơn 6.000 học sinh ở các địa phương trong huyện. Những làng nghề dệt dồ dưới chân núi Ngọc Linh sẽ phát triển mạnh hơn, bền vững hơn khi mô hình tổ kinh tế hợp tác được triển khai. Việc giới thiệu sản phẩm nghề dệt và trang phục truyền thống của người Xơ Đăng ở Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... cũng được địa phương phối hợp với các ngành chức năng và các đối tác triển khai thực hiện.

Thạch Hà