Khởi sắc một vùng quê
Sau 10 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X và Chương trình hành động số 30 của Thành ủy Đà Nẵng "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (gọi tắt là Tam nông), diện mạo nông thôn Hòa Vang ngày thêm khởi sắc với những "gam màu" tươi sáng. Việc cụ thể hóa nội dung nghị quyết được nhân dân địa phương đồng tình, hưởng ứng cao, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân thay đổi căn bản, quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy... Để Hòa Vang có được diện mạo như hôm nay là cả một câu chuyện dài, không chỉ giải quyết trong một sớm, một chiều. Song, cốt lõi vẫn là làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, nông nghiệp phát triển bền vững, bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh mà vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống...
Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |
Ở tuổi 80, lão nông Trà Văn Sinh (thôn La Châu, xã Hòa Khương) vẫn chưa thể nào quên được cái nghèo, cái khó cứ bám dai dẳng bà con quê ông trong những năm chiến tranh ác liệt và cả những năm đầu sau ngày giải phóng. Hòa Vang lúc đó là vùng nông thôn "4 không": không đường, không điện, không trường, không trạm; nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo lên đến 70-80%. Chính quyền và nhân dân địa phương phải vượt qua mọi khó khăn, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn, làm phong trào thủy lợi, thâm canh tăng vụ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và cơ giới hóa nông nghiệp... "Đồng hành với việc thực hiện nghị quyết "Tam nông" là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nên đời sống mọi mặt ở nông thôn hiện nay đã nâng lên nhiều lắm. Cái ăn thì từ lâu, không phải lo nghĩ nữa, còn đời sống tinh thần cũng đang dần nâng lên. Đường sá thì khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật... Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, các con ăn học thành đạt. Nông thôn mà được vậy là hạnh phúc lắm rồi"-ông Sinh phấn khởi khoe.
Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, trước đây, cơ sở hạ tầng ở địa phương còn hạn chế, người dân sản xuất nông nghiệp theo thói quen nên đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết "Tam nông" của địa phương đã đạt được kết quả rất khả quan. 10 năm qua, UBND xã chú trọng công tác "dồn điền đổi thửa", hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư những mô hình kinh tế hiệu quả, sản xuất hàng hóa cung ứng thị trường, xây dựng kiên cố kênh mương tưới tiêu, bê-tông hóa giao thông nội đồng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn tham gia chuyển đổi các mô hình kinh tế không hiệu quả và phong trào xây dựng NTM; phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng cây giống trồng, con vật nuôi. Qua đó, khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết tại địa phương.
Được biết, trên cơ sở quy hoạch, định hướng để phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, huyện tiến hành cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng phát huy lợi thế từng địa phương. Vì vậy, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn huyện tăng dần qua từng năm, từ 280,8 tỷ đồng năm 2008 lên 824 tỷ đồng năm 2013, và tăng lên 1.030,7 tỷ đồng năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 4,5%... Riêng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM từ năm 2010 đến 2017 là: 2.768 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách T.Ư: 505 tỷ đồng, TP: 969 tỷ đồng, các đơn vị hỗ trợ: 200 tỷ đồng, huyện: 182 tỷ đồng, xã: 240 tỷ đồng, nhân dân đóng góp: 699 tỷ đồng. Từ chỗ yếu kém, lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; đến nay Hòa Vang đã tạo bước đột phá, đưa bức tranh "nông nghiệp, nông thôn, nông dân" phát triển có chiều sâu với việc thực hiện hiệu quả các đề án như "Cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn", "Đổi mới, củng cố và phát triển Hợp tác xã nông nghiệp", "Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp", "Chuyên đề Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng NTM, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao"... Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát huy tốt nội lực, tranh thủ ngoại lực để đầu tư phát triển bền vững đã tác động rõ nét trong việc cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân khoảng 8-10 triệu đồng năm 2008 đến năm 2017 đạt 38,46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,38%; thậm chí có địa phương đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo ở nhà tạm như xã Hòa Phước...
Theo Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang Đặng Phú Hành, xác định những khó khăn, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết "Tam nông", thời gian đến, huyện tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa. Theo đó, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất theo hướng hiện đại, đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải quyết đầu ra cho nông sản. Bên cạnh tập trung nguồn lực cho chương trình NTM, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, duy trì đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo... "Nhiệm vụ thực hiện nghị quyết "Tam nông" là lâu dài, liên tục nên điều quan trọng nhất là phát huy cao hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân một cách bền vững" - Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang cho biết thêm.
VY HẬU