Khởi sắc trong phát triển giáo dục các dân tộc rất ít người

Thứ tư, 31/12/2014 10:31

(Cadn.com.vn) - Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay, Đề án Phát triển giáo dục Dân tộc rất ít người đã đem lại những khởi sắc rõ rệt tại các điểm trường xa xôi, nơi có học sinh 9 dân tộc dân số dưới 5.000 người sinh sống.

Môi trường giáo dục cải thiện, bình đẳng cho học sinh vùng khó

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo ngành giáo dục và các địa phương, công tác chăm lo giáo dục cho nhóm đối tượng học sinh thuộc diện khó khăn nhất cả nước luôn được chú trọng, đạt được các kết quả vững chắc ở nhiều mặt: số trẻ đến trường tăng, chất lượng học tập chuyên cần và khá, giỏi cũng tăng.

Nhiều chính sách ưu tiên cho học sinh dân tộc rất ít người đã được thực hiện kịp thời, tạo cơ hội giúp nhóm trẻ vùng khó vươn lên bình đẳng với bạn bè cùng trang lứa. Các phương pháp giảng dạy mới và chương trình giáo dục linh hoạt cũng được biên soạn dành riêng để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ở những nơi đặc biệt.

Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục Đào tạo thường xuyên đi đến khắp các địa bàn nơi có 9 dân tộc rất ít người sinh sống để đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư cho Đề án được thực hiện đúng và đủ, tới tận tay các đối tượng được hưởng lợi, đảm bảo các hoạt động của Đề án đều được triển khai kịp thời.

Ở các điểm trường, nhiều phòng học mới, phòng nội trú mới đã được xây dựng, đem lại môi trường sư phạm khang trang, cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh dân tộc rất ít người. Tại Trường Dân tộc nội trú huyện Mường Khương (Lào Cai), nơi có 10 học sinh dân tộc Bố Y sinh sống và học tập, các em đã từng bước bắt nhịp kịp với các bạn dân tộc khác trong học tập cũng như lao động sản xuất, sinh hoạt tập thể.

Tỉnh Kon Tum có 2 dân tộc rất ít người là: Brâu và Rơ Măm. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cán bộ ngành Giáo dục, công tác giáo dục và đào tạo ở các vùng đồng bào dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến khá rõ nét. Tại làng Le (H. Sa Thầy, Kon Tum) nơi có 119 hộ dân với 459 khẩu người dân tộc Rơ Măm sinh sống, điểm trường được xây dựng ngay trong làng với những dãy nhà xây kiên cố và sạch đẹp. Đây là thành quả của Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người do Chính phủ phê duyệt...

Các thầy cô giáo vùng cao luôn quyết tâm vượt qua khó khăn để vận động học sinh đến trường.

Tăng cơ hội học tiếp lên bậc học cao hơn cho trẻ em dân tộc

Không chỉ tạo môi trường giáo dục tốt, trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ học sinh 9 dân tộc rất ít người đã được triển khai kịp thời và đầy đủ. Trẻ mầm non được học ngay tại thôn, buôn. Các em khi đến tuổi học tiểu học và trung học được ưu tiên vào học các trường nội trú. Không chỉ được miễn giảm học phí, các em còn được hỗ trợ mức chi phí sinh hoạt từ 40 – 60 % mức lương tối thiểu. Các chính sách nhân đạo này đã phát huy tác dụng, góp phần đáng kể làm tăng cơ hội học tiếp lên các bậc học cao hơn cho trẻ em người dân tộc.

Công tác xây dựng tài liệu và bồi dưỡng các giáo viên trực tiếp giảng dạy cho vùng dân tộc rất ít người cũng được quan tâm. Đến nay đã có 9 tài liệu về học tiếng dân tộc, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh 9 dân tộc trên và nhiều lớp tập huấn giáo viên mầm non, giáo viên trường nội trú,... về phương pháp dạy học cho các trẻ em 9 dân tộc đã được triển khai, giúp giáo viên tự tin hơn khi đảm nhận công việc này.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum Nguyễn Hóa: Điều thành công nhất của Đề án là ý thức học tập của học sinh người dân tộc rất ít người đã chuyển biến tốt. Tỉ lệ học sinh đến lớp luôn được duy trì ở con số khá cao. Khi tới trường, các em tham gia học tập, tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường, từ đó được rèn luyện kỹ năng, giá trị sống và loại bỏ dần những phong tục tập quán lạc hậu.

Trong 4 năm qua, việc thực hiện Đề án phát triển giáo dục các dân tộc rất ít người đã tạo nên những bức tranh tươi sáng hơn về giáo dục vùng cao từ những giải pháp bền vững như xây dựng cơ sở vật chất, trang bị kiến thức và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đến ban hành các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên thách thức vẫn còn rất lớn do điều kiện KT-XH của các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống còn rất hạn chế.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn chưa bền vững, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng nhu cầu phát triển. Vì thế, Đề án này cần thêm sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền và sự tiếp sức từ các vùng thuận lợi hơn như ưu tiên đầu tư thêm các trường mầm non ở vùng dân tộc để các học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được học hòa nhập ngay từ bé; mở thêm các lớp tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý ở vùng dân tộc thiểu số rất ít người.

Từ thực tế triển khai tại các địa phương cho thấy việc ban hành và thực hiện Đề án Phát triển giáo dục các dân tộc thiểu số rất ít người là một chủ trương đúng đắn, tạo nền móng vững chắc không chỉ để phát triển giáo dục mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo vệ an ninh các địa bàn chiến lược của đất nước.

P.V