Không bỏ sổ hộ khẩu mà thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử
Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (TCCS) trong họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 7-11, tại Hà Nội, nhằm giải đáp những vấn đề liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân.
Trung tướng Trần Văn Vệ phát biểu tại buổi họp báo. |
"Thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu nhưng là quản lý sổ hổ khẩu bằng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi cho người dân", Trung tướng Trần Văn Vệ- quyền Tổng Cục trưởng TCCS cho biết thêm tại họp báo.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, hiện nay, quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện. Để đảm bảo mục tiêu và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Tuy nhiên, công tác dân cư chủ yếu quản lý theo hình thức thủ công. Khi tiến hành các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây phiền hà. Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý dân cư. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện và đi vào hoạt động, người dân đến giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp mã số định danh, căn cước công dân thì cơ quan Nhà nước tra cứu là có đầy đủ thông tin.
Cơ sở dữ liệu dân cư tập hợp 15 thông tin cơ bản của mỗi con người, gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, các quốc gia trên thế giới không nước nào bỏ việc quản lý dân cư cả. Sau này, mỗi công dân chỉ cần một thẻ căn cước công dân. Quốc hội đã ban hành luật và giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu trong vòng 2-3 năm sẽ hoàn thành.
Cũng theo Trung tướng Trần Văn Vệ, thông tin bỏ chứng minh nhân dân cũng không đúng, bởi theo luật, đây là giấy tờ bắt buộc của mỗi con người và sẽ được thay thế bằng cấp căn cước công dân bằng công nghệ hiện đại. Hiện đang thí điểm ở 16 tỉnh và thành phố và từ ngày 1-1-2020 sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc.
NGỌC LAN