Không chỉ nhìn môi trường đầu tư Đà Nẵng từ PCI

Thứ sáu, 26/04/2019 07:01

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chỉ là một thước đo, không phản ánh tất cả điều kiện thu hút đầu tư của một địa phương. Vì thế, PCI 2018 của Đà Nẵng tụt xuống hạng 5 sau nhiều lần đứng nhất và nhì không đồng nghĩa chất lượng môi trường đầu tư Đà Nẵng giảm sút.

Quý I – 2019 Đà Nẵng thu hút đầu tư cao nhất từ trước tới nay. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự khởi công dự án sản xuất linh kiện máy bay tại Khu CNC Đà Nẵng.

Không quá lo

Có nhiều cách để thu hút đầu tư và đánh giá môi trường đầu tư của một tỉnh, thành phố. PCI là một thước đo nhưng nghiêng nhiều về những nhà đầu tư mới. Đà Nẵng không còn quỹ đất nhiều lại kén chọn đầu tư (chỉ thu hút những dự án chất lượng) do đó việc tiếp cận đất đai, cơ hội đầu tư ở Đà Nẵng khó hơn, đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nói, TP có quan điểm chọn lọc đầu tư với những dự án sạch, có công nghệ, giá trị gia tăng cao do vậy sẽ từ chối những dự án không phù hợp. Chính cái từ chối đó làm cho PCI tụt giảm.

Nhìn rộng ra các địa phương khác, khi họ có quỹ đất rộng, thu hút đầu tư bằng mọi cách sẽ có nhiều ưu đãi, cơ chế hấp dẫn cho nhà đầu tư. Vì thế nhà đầu tư tới sẽ được đáp ứng tối đa, điều này góp phần tạo sức hút đầu tư. Từ đây, chỉ số PCI tăng rất nhanh. Cũng phải lưu ý thêm, khi PCI đang thấp, việc tăng tốc thang điểm lên mức cao rất dễ, ngược lại một số địa phương như Đà Nẵng, sau nhiều năm trong top 1, 2 đã ở thang điểm các chỉ số cao, dư địa để nhích lên thêm rất khó khăn.

Như vậy PCI Đà Nẵng tụt giảm trong thang so sánh với địa phương khác, không đồng nghĩa với môi trường đầu tư của Đà Nẵng sụt giảm, kém đi. Môi trường đầu tư ở Đà Nẵng vẫn tốt lên, chỉ có điều tốc độ tăng không bằng một số địa phương nổi bật. Bằng chứng là khá nhiều nhà đầu tư vẫn đổ vốn vào Đà Nẵng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, trong quý I năm 2019 đã có 32 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn hơn 355 triệu USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 15 dự án, tổng vốn hơn 1,3 triệu USD). Đây là quý có vốn đầu tư thu hút cao nhất từ trước đến nay. Điều đáng mừng, các dự án đó đều có chất lượng, thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch nghỉ dưỡng... phù hợp với chiến lược thu hút của Đà Nẵng.

Theo ông Hà Đức Hùng, việc tụt giảm PCI không phải vấn đề lớn và việc TP duy trì trong top 5 là ổn. “Hà Nội, TPHCM không nằm trong top PCI cao nhưng môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của họ vẫn tốt. Họ có cách thu hút khác. Chỉ số PCI cao chỉ là điều kiện để thu hút đầu tư, còn có thu hút được không lại là chuyện khác”- ông Hùng nói.

Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh là thước đo với tiêu chí riêng, việc tụt giảm PCI của Đà Nẵng cũng đã phản ánh một số trục trặc mà TP đang phải trải qua. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là tâm lý e ngại trong công chức, họ làm việc theo qui trình, không dám tham mưu, đề xuất những sáng tạo, đột phá ngoài qui trình. Mà ngoài qui định không dám đề xuất tức là tự hạ điểm mình. Ông Hùng nói, trước đây cứ đề xuất thoải mái, thấy hợp tình hợp lý là làm. Nhưng giờ sau những tác động của thanh tra, kiểm tra, kỷ luật, chuyên viên họ ngại đề xuất sáng tạo, thôi thì cứ theo qui định, qui trình mà làm. Nhưng qui định, qui trình thì chậm hơn ngoài thực tế, ngoài đời sống kinh doanh. Do vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thể đột phá.

Đà Nẵng cần kiên trì chọn lọc những dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao.

Chăm sóc nhà đầu tư hiện hữu

PCI vẫn chỉ là một thước đo, không nhất thiết phải chạy theo chỉ số này và đẩy lên bằng mọi cách. Điều quan trọng phải đưa môi trường đầu tư có hiệu quả thực chất. Để đạt được mục tiêu này có hai giải pháp là chọn lọc khắt khe nhà đầu tư mới và chăm sóc thật tốt nhà đầu tư cũ. Theo các chuyên gia, cách chọn lọc đầu tư, tập trung vào các dự án có chất lượng mà TP đang làm rất phù hợp và phải kiên trì đeo đuổi. Những nhà đầu tư có chất lượng, họ vào một môi trường mà thấy những nhà đầu tư khác lôm côm họ cũng bỏ đi. Bên cạnh việc chọn lọc thì để giữ chân được những nhà đầu tư chất lượng cần phải tạo môi trường sống, kinh doanh hấp dẫn. Cụ thể nhất về môi trường này, theo ông Hùng là các vấn đề y tế, giáo dục, an ninh và giải trí. Tức là có an ninh tốt, môi trường xanh sạch, có nhiều trường quốc tế cho con cái học, có nhiều bệnh viện quốc tế để chữa bệnh, có nhiều khu giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng... để tái tạo sức lao động.

Chăm sóc tốt cho những nhà đầu tư sẵn có cũng là một cách thu hút đầu tư hiệu quả. Bởi lẽ, chính các nhà đầu tư này sẽ tiếp thị, quảng bá, hợp tác để kéo các nhà đầu tư mới về. Thậm chí, chính các nhà đầu tư này sẽ mở rộng, tăng vốn dự án hiện hữu. Việc chăm sóc này có thể bằng cách tăng lòng tin, tạo điều kiện tốt nhất cho dự án sản xuất kinh doanh, giữ lời hứa, động viên khuyến khích kịp thời... Ông Hùng nói: Với những nhà đầu tư sẵn có, đã có quá trình hoạt động, tạo dựng được uy tín rồi thì khi triển khai mở rộng dự án, đầu tư dự án mới cần cơ chế cho nợ thủ tục, vừa triển khai dự án vừa hoàn thiện thủ tục. Điều quan trọng là hậu kiểm, chứ không phải hồ sơ thủ tục thì lâu mà hậu kiểm không có.

Vấn đề thủ tục cũng đang là một thách thức lớn với nhiều dự án ở Đà Nẵng, kể cả các dự án trọng điểm. Đơn cử như dự án Làng Vân 5 tỷ USD, người dân đã di dời, giao mặt bằng từ năm 2011 đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng thủ tục. Tại Tọa đàm mùa Xuân tháng 3 vừa qua, TP đã họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho một số dự án trọng điểm. Đây vẫn là một nút thắt lớn nếu không có những đột phá, sáng tạo, sẽ khó tạo ra môi trường đầu tư năng động, giàu sức cạnh tranh.

PCI cuối cùng cũng nhằm mục đích tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, tạo cơ hội để thu hút đầu tư. Hiện quỹ đất TP không còn nhiều, giá đất tăng cao, với các ngành nghề không hấp dẫn, đầu tư ở Đà Nẵng khó mang lại hiệu quả. Giải pháp tốt nhất với TP là tạo đột phá về giải quyết các thủ tục đầu tư, chọn lọc đầu tư khắt khe và chăm sóc tốt cho những nhà đầu tư hiện hữu.

HẢI QUỲNH