Miền Trung - Tây Nguyên đang ở đâu trên bảng tổng sắp PCI?

Thứ sáu, 20/07/2018 13:05

Để thúc đẩy việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố, sáng 19-7, tại TP Hội An (Quảng Nam), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thân thiện đối với doanh nghiệp. Sự khác biệt về điểm số, thứ hạng của các địa phương phụ thuộc vào chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành và đó chính là yếu tố tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Đà Nẵng là địa phương đi đầu về PCI, trở thành nơi có môi trường hấp dẫn về khởi nghiệp và thu hút đầu tư.

PCI tăng không đều

 TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, chỉ số PCI trong năm 2017 của các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên đều tăng so với năm 2016, nhưng không đồng đều. Cụ thể, có 9/17 tỉnh, thành trong khu vực tăng hạng thì 7/17 tỉnh, thành tụt hạng và 1 địa phương giữ nguyên thứ hạng. Trong đó, năm 2017, khu vực duyên hải miền Trung xếp hạng 3/6 vùng (sau vùng ĐBSCL và Đồng bằng Sông Hồng), còn khu vực Tây Nguyên xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng (6/6) trong suốt 3 năm PCI 2015, 2016, 2017. Tuy vậy theo TS. Vũ Tiến Lộc, môi trường kinh doanh của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên vẫn có những điểm sáng khi được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực cải cách của chính quyền các địa phương.

“Doanh nghiệp đánh giá việc gia nhập thị trường khu vực này thuận lợi hơn, môi trường kinh doanh của cả hai khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đều được đánh giá là minh bạch hơn. Lãnh đạo chính quyền được đánh giá năng động, sáng tạo hơn và chất lượng đào tạo lao động có nhiều cải thiện”, TS. Lộc nói.

Đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ông Mike Greene - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, nhìn nhận Đà Nẵng và Quảng Nam là 2 địa phương tiêu biểu thành công trong cải thiện chỉ số PCI và môi trường doanh nghiệp. Kết quả là 2 địa phương này đã có sự tăng trưởng và đầu tư vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. “Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện cơ chế 1 cửa và chính phủ điện tử, còn Quảng Nam rất sáng tạo trong việc công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương nhằm thúc đẩy cải cách hành chính một cách mạnh mẽ...”, ông Mike Greene nhận xét.

Lý giải về những kết quả khả quan mà tỉnh Quảng Nam đã đạt được, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, thời gian qua Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp nhằm phục vụ và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân. UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đột phá trong công tác cải thiện môi trường đầu tư và phát triển doanh nghiệp, đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính Công và Xúc tiến đầu tư tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện nhằm giúp cho các cá nhân và doanh nghiệp được thuận tiện và dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, thành lập các Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư. Đồng thời UBND tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đối thoại giữa các cơ quan và doanh nghiệp theo nhóm ngành, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Chi phí không chính thức còn khá cao

Mặc dù chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên được đánh giá đã cải thiện tích cực, tuy nhiên so với nhiều vùng khác trong cả nước thì các địa phương khu vực này cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, cắt giảm mạnh gánh nặng về chi phí không chính thức. Theo thống kê của VCCI, có đến 62% doanh nghiệp khu vực Duyên hải miền Trung và 65% doanh nghiệp ở Tây Nguyên cho biết hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến. Do đó doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh cần bình đẳng hơn, bởi theo TS Vũ Tiến Lộc cho biết có đến 79% doanh nghiệp ở Tây Nguyên đồng  ý với nhận định rằng nguồn lực kinh doanh chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ chính quyền.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cần giảm thiểu những rào cản hậu đăng ký và tăng cường chấn chỉnh các hoạt động thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp, tránh tình trạng nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp hoặc lợi dụng việc thanh tra kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tại khu vực này chiếm tỷ lệ rất thấp so với cả nước, chỉ từ 12-13%, tương tự số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng rất khiêm tốn, do đó yêu cầu quan trọng của chính quyền các địa phương trong khu vực là cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển thêm doanh nghiệp mới, thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Điều này cần nỗ lực rất lớn của hệ thống chính quyền các cấp và phải có hạ tầng được đầu tư tốt, lao động có chất lượng và đặc biệt là thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi, chuyên nghiệp, tin cậy.

Ngoài ra, yếu tố liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng là một định hướng quan trọng, trước hết là tăng cường liên kết trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, hội thảo chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh lần này tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên là một cơ hội tốt để các địa phương học hỏi kinh nghiệm, liên kết thu hút đầu tư. Tại hội thảo, các địa phương chia sẻ về những mô hình, sáng kiến cải cách từ các địa phương có nhiều thành công trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu của VCCI, USAID... trình bày một số nét cơ bản về cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh thực hiện các nghị quyết lớn của Chính phủ và hội nhập kinh tế quốc tế, tóm tắt kết quả PCI 2017 và đánh giá năng lực cạnh tranh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mối liên hệ giữa PCI và thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế...

Giám đốc USAID tại Việt Nam Mike Greene cho rằng, vẫn còn đó những dư địa mà các địa phương trong khu vực có thể làm nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cho từng địa phương và cả khu vực. Theo ông Mike Greene, các địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên có thể cải thiện môi trường đầu tư bằng cách giảm bớt những ràng buộc đối với doanh nghiệp mới, thực hiện công tác thanh tra hiệu quả hơn, giảm bớt các ưu đãi về mặt chính sách đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt là khuyến khích lãnh đạo địa phương điều hành một cách chủ động, tích cực.

QUANG PHÚC

Thảo luận về nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Sáng 19-7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là luật hóa những vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Hội thảo cũng đã nghe nhiều báo cáo tham luận của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, nhà quản lý với nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Việt Nam là quốc gia có 54 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống ổn định lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 13 triệu người, chiếm khoảng 14,6% dân số cả nước. Sau nhiều thập niên tập trung phát triển tổng thể nguồn nhân lực theo diện rộng, đến nay, trình độ dân trí vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước đã được nâng lên đáng kể.

QUANG HUY