Không có chuyện cắt điện khiến hầm đường bộ Hải Vân đóng cửa

Thứ ba, 30/10/2018 13:38

Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả trên địa bàn 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa: Từ khi hầm Đèo Cả tiến hành thu phí (từ ngày 3-9-2017) đến nay, do phải thu theo quy định hiện hành (Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT) nên mức phí chủ đầu tư thu thấp hơn rất nhiều so với mức phí trong phương án tài chính khi đầu tư Dự án Hầm Đèo Cả theo phương thức thu phí hoàn vốn (BOT) đã được Bộ GTVT phê duyệt, làm thâm hụt lớn nguồn thu và gây thiệt hại cho dự án này.

Xe lưu thông qua hầm Hải Vân.

Đơn cử, chỉ tính từ ngày 1-1-2018 đến 1-10-2018, chủ đầu tư bị thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả còn cho biết thêm Hầm đường bộ Hải Vân nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang trước nguy cơ phải dừng hoạt động vì nhiều lý do, trong đó, đáng chú ý là vấn đề nợ tiền điện.

Trách nhiệm của ai?

Dự án mở rộng Hầm đường bộ Hải Vân cũng do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư theo phương thức BOT gồm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện sửa chữa, nâng cấp Hầm Hải Vân số 1, tuyến đường dẫn và đường qua đèo Hải Vân; giai đoạn 2 thực hiện mở rộng hầm kỹ thuật lánh nạn thành Hầm Hải Vân số 2 và xây dựng tuyến đường dẫn mới ra vào hầm Hải Vân số 2. Phó Tổng Giám đốc Lưu Xuân Thủy cho biết thêm, giai đoạn 1 đã hoàn thành hơn 1 năm với chi phí đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, chủ đầu tư cũng đã ứng hơn 315 tỷ đồng cho công tác quản lý, vận hành Hầm Hải Vân số 1 từ năm 2016 đến nay; giai đoạn 2 đang trong quá trình thi công, đến nay đã đào được 60% chiều dài Hầm Hải Vân số 2.

Theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt, để có nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hạng mục sửa chữa nâng cấp Hầm Hải Vân số 1 và tuyến QL1A qua đèo Hải Vân, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả được phép lắp đặt Trạm thu phí ở cửa phía Nam Hầm Hải Vân và bắt đầu thu phí từ ngày 1-1-2017. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, ở cửa phía Bắc Hầm Hải Vân cũng có Trạm thu phí Phước Tượng – Phú Gia (hoàn vốn cho Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia) hoạt động thu phí dẫn tới không thể thu phí tại cửa phía Nam Hầm Hải Vân. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án sử dụng chung Trạm thu phí phía Bắc Hầm Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho cả 2 dự án này khiến doanh thu được chia sẻ cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chưa đủ để trang trải cho chi phí quản lý vận hành Hầm Hải Vân số 1 và trả nợ theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng tài trợ vốn đầu tư Dự án mở rộng Hầm Hải Vân.

Do mất cân đối tài chính nên đơn vị thành viên của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là Công ty Quản lý và Khai thác Hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) chậm thanh toán hơn 2,6 tỷ đồng tiền điện. Đáng quan ngại hơn theo chủ đầu tư thì Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng thường xuyên phát văn bản đòi nợ và cho biết sẽ ngừng cung cấp điện nếu Hamadeco tiếp tục trì hoãn việc trả nợ.

Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cũng cho biết: Công ty này đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT quan tâm tháo gỡ vướng mắc nói trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, khiến cho chủ đầu tư không đủ nguồn thu để chi phí cho công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng 2 hầm đường bộ Đèo Cả và Hải Vân cùng các công trình phụ trợ. Trường hợp Bộ GTVT không giải quyết, chủ đầu tư sẽ đề xuất Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT tiếp nhận lại Hầm đường bộ Đèo Cả để quản lý, vận hành khai thác nhằm tránh phải dừng vận hành hầm, gây trở ngại giao thông. Đối với Hầm đường bộ Hải Vân, trường hợp để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành nghỉ làm, các thiết bị an toàn trong hầm dừng hoạt động… dẫn tới gián đoạn và không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông qua hầm Hải Vân số 1 từ thời điểm sau ngày 5-11, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Không có chuyện cắt điện

Thông tin từ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết: Công ty CP Hamadeco hiện vẫn chưa thanh toán khoản nợ hơn 2,6 tỷ đồng tiền điện cho Công ty Điện lực Đà Nẵng. Chi nhánh Điện lực Liên Chiểu (Công ty Điện lực Đà Nẵng) – đơn vị trực tiếp ký hợp đồng cung cấp điện cho Hamadeco đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán khoản nợ tiền điện nói trên nhưng đến nay Hamadeco vẫn chưa thực hiện. Việc này không chỉ vi phạm Luật Điện lực và hợp đồng giữa 2 bên mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị cung cấp điện.

Tuy nhiên, trước thông tin Hầm đường bộ Hải Vân sẽ đóng cửa vì bị cắt điện, chiều 29-10, trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng khẳng định: Đó là thông tin không đúng. Ông Cư cho biết thêm Hamadeco đã nhiều lần nợ tiền điện và Công ty Điện lực Đà Nẵng chỉ đạo Điện lực Liên Chiểu thường xuyên đòi nợ nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động của Chi nhánh Điện lực Liên Chiểu nói riêng, Công ty Điện lực Đà Nẵng nói chung. Song, Công ty Điện lực Đà Nẵng không có kế hoạch cũng như ý định cắt điện cung cấp cho Hầm đường bộ Hải Vân.

“Hầm Hải Vân là con đường huyết mạch Bắc Nam trên Quốc lộ 1A nên thông tin chúng tôi cắt điện cung cấp khiến hầm Hải Vân đóng cửa làm cho dư luận hoang mang, băn khoăn là không đúng”, ông Cư cho biết thêm.

PHÚ NAM