Không có quyền đối với tài sản có để lại di chúc được không?

Thứ hai, 21/10/2019 09:00

* Ông Đinh Văn Khánh, trú TP Đà Nẵng, hỏi: Năm 2017, tôi và 3 anh chị em của tôi thực hiện thủ tục chia di sản thừa kế đối với mảnh đất và căn nhà do bố mẹ của chúng tôi để lại. Tuy nhiên, chúng tôi phải tạm dừng việc chia di sản bởi văn phòng công chứng (CC) không đồng ý CC vì giấy tờ không đủ. Chúng tôi không thể cung cấp hoặc sao lục các giấy tờ liên quan, cụ thể ở đây là giấy chứng tử của bà nội tôi. Tôi muốn biết trong trường hợp anh, chị em chúng tôi chưa thể phân chia di sản thì tôi có được lập di chúc để lại phần di sản đó cho con tôi không?

Ths.LS Lê Ngô Hoài Phong – Trưởng CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định tại Luật CC 2014, CC là việc công chứng viên (CCV) của một tổ chức hành nghề CC chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản... mà theo quy định của pháp luật phải CC hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu CC. Như vậy, CC có nghĩa là chứng nhận “tính có thực” của một hợp đồng hoặc một giao dịch dân sự. “Tính có thực” được hiểu là sự việc đã xảy ra trên thực tế. Một văn bản, giao dịch đã được CC đem lại lợi ích rất lớn vì nó giá trị chứng cứ, khi có tranh chấp xảy ra không cần phải chứng minh. Xuất phát từ việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản CC, CCV sẽ không thực hiện CC đối với bất kỳ hợp đồng hoặc giao dịch mà chưa phát sinh, không có thật. Cũng chính vì lý do đó mà vô hình trung, việc không được CC trong một số trường hợp đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người yêu cầu CC.

Xét về bản chất pháp lý, CC cho những gì không có thực hoặc chưa xảy ra trên thực tế nhưng không gây phương hại đến quyền và lợi ích của xã hội hay của bất kỳ bên thứ ba nào là điều hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, pháp luật cũng chỉ buộc CCV chịu trách nhiệm trong trường hợp lỗi của CCV mà dẫn đến thiệt hại cho người yêu cầu CC. Tuy nhiên, thực tế các cơ quan quản lý nhà nước về CC thường kiểm tra và xử phạt các văn phòng CC khi CC mà vi phạm nguyên tắc này. Phân tích sâu hơn trong tình huống của ông Khánh, có thể thấy rõ rằng, mặc dù di chúc của ông không được CC nhưng ông vẫn có quyền thừa kế với di sản do ba mẹ mình để lại. Điều này có nghĩa ông vẫn có quyền sở hữu một phần đối với di sản thừa kế. Do vậy, việc ông lập di chúc để lại tài sản này cho con của mình là phù hợp với quy định của pháp luật. Để đảm bảo tính có hiệu lực của di chúc, thay vì yêu cầu CC, ông Khánh có thể thực hiện các cách sau đây: yêu cầu UBND phường nơi ông cư trú chứng thực chữ ký của ông trong di chúc; trong trường hợp UBND phường nơi cư trú không chấp nhận chứng thực thì khi lập di chúc, ông Khánh cần có hai người làm chứng, cùng ký tên và điểm chỉ vào bản di chúc. Người làm chứng phải là người đảm bảo đủ điều kiện quy định tại Điều 632 BLDS 2015.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425