Không để Đà Nẵng tụt hậu trong việc xây dựng thành phố thông minh
“Chúng ta xác định rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thành phố thông minh (TPTM), và trong thực tế thành phố cũng đã triển khai và thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nếu so sánh dưới góc độ của chuyên gia thì chúng ta đã và đang tụt hậu”, đó là nhấn mạnh của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan để nghe báo cáo tình hình triển khai xây dựng TPTM và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố vào chiều 25-9.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đánh giá rất cao những thành tựu, kết quả mà Đà Nẵng đạt được trong quá trình triển khai xây dựng TPTM từ trước đến nay, thế nhưng, thực tế thì tại Đà Nẵng, lĩnh vực này đang tụt hậu so với một số địa phương. Theo ông Quảng, có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Đó có thể là do trước đây, Đà Nẵng triển khai đề án xây dựng TPTM quá sớm, trong khi cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật, nhân lực chưa đáp ứng đầy đủ... Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan có thể là do quá tự mãn với những gì mà thành phố đã có được. Đơn cử, các chỉ số sẵn sàng ứng dụng thời gian qua luôn nằm ở top đầu, thế nhưng đến nay, nếu đánh giá lại thì Đà Nẵng không còn ở top đầu nữa. Ví dụ điển hình nhất là câu chuyện thu phí đỗ xe tự động tại một số tuyến đường hoặc mới nhất là việc áp dụng chỉ số “thông minh” trong chỉ đạo, giải quyết các vấn đề có liên quan xảy ra trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua. “Nói như vậy để nhìn lại là chúng ta cần phải quan tâm, xem xét và đánh giá lại vấn đề này”, ông Quảng nói.
Vì vậy tại buổi làm việc, ông Quảng chỉ đạo Sở TT&TT tham mưu UBND TP và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hoàn thiện các thành phần nền tảng xây dựng TPTM đang và chưa thực hiện được. Bởi theo ông Quảng, hiện nay thành phố còn rất nhiều các yếu tố để cấu thành nên thành phần nền tảng của TPTM chưa hoàn chỉnh. “Cái gì đang làm dở thì phải quyết tâm làm, cái gì thiếu, chưa làm thì phải nhanh chóng triển khai, hoàn thiện thủ tục, khó khăn gì thì báo cáo UBND TP giải quyết”, ông Quảng chỉ đạo. Ngoài ra, ông Quảng yêu cầu Sở TT&TT khẩn trương tham mưu xây dựng đề án chuyển đổi số; sớm xây dựng và hoàn thiện Trung tâm giám sát, điều hành đô thị TPTM. Riêng với UBND TP, ông Quảng yêu cầu cần quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện để quản lý, giám sát, điều phối và chia sẻ thông tin giữa các sở, ban ngành. “Đây là một trong những yêu cầu cấp bách để thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng tới xây dựng và hoàn thiện mục tiêu TPTM đề ra”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Liên quan đến nhiệm vụ của các sở, ngành, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu phải có trách nhiệm phối hợp, tích hợp và chia sẻ dữ liệu; đồng thời phải trực tiếp đề xuất những vấn đề có liên quan đến sở, ngành mình để Sở TT&TT quản trị và có cơ sở xây dựng các phần mềm phù hợp với nhu cầu thực tế.
Về phát triển CNTT, theo ông Nguyễn Văn Quảng, có 3 nhóm vấn đề lớn cần quan tâm. Trước hết là phải quyết tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số các khu công nghiệp CNTT; tập trung thu hút các dự án lớn của các nhà đầu tư có uy tín và quan tâm hơn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Trước đó tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT cho biết, để triển khai xây dựng TPTM có lộ trình, tương thích và hiệu quả, năm 2018 Sở TT&TT đã tham mưu UBND TP ban hành Kiến trúc tổng thể TPMT phù hợp với các tiêu chuẩn, khuyến nghị của thế giới và thực tiễn, chiến lược phát triển KT-XH của thành phố; làm cơ sở để ban hành Đề án xây dựng TPTM. Theo đó, Kiến trúc TPTM của Đà Nẵng xác định 6 trụ cột và 16 lĩnh vực chuyên ngành tập trung triển khai. Đề án xây dựng TPTM đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2020 sẽ sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; đến năm 2025 sẽ thông minh hóa các ứng dụng và đến năm 2030 thông minh hóa ứng dụng cộng đồng và hoàn thành xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.
Về kết quả phát triển công nghiệp CNTT, ông Thanh cho biết hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh, trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Theo đó, năm 2019 doanh thu toàn ngành TT&TT đạt 30,5 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 19% so với năm 2018); tính đến cuối năm 2019, ngành công nghiệp CNTT-TT đóng góp 7,7% GRDP toàn thành phố, cao hơn mục tiêu 6% so với Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó theo ông Thanh, hạ tầng công nghiệp CNTT được quan tâm đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế...
D.H