Không để người dân tự giải quyết cuộc sống khi di dời giải tỏa

Thứ năm, 09/06/2016 09:38

(Cadn.com.vn) - Là một dự án giao thông trọng điểm quốc gia, tuyến đường cao tốc La Sơn-Túy Loan có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh TT-Huế và Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Dự kiến, đến giữa năm 2017, tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng thì dự án sẽ không thể đúng tiến độ vì những vướng mắc trên thực tế hiện nay…

13 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng, tiến độ thi công tuyến đường cao tốc La Sơn-Túy Loan khó có thể hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: H.T

Cách đây 1 tháng, khi tìm hiểu vấn đề, ông Nguyễn Đình Tâm, Đội trưởng Đội thi công số 9 thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1, đơn vị nhận thi công gói thầu trên địa phận thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), cho biết:  Gói thầu gồm 3 cây cầu, một cống chui và 2km đường dự kiến đến tháng 4-2017 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 600m đường không thể thi công vì không có mặt bằng, trên khu vực còn 13 hộ dân thôn Tà Lang không chịu tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng cho dự án. Đã hơn 3 tháng nay, đơn vị không thể triển khai, sẽ chậm tiến độ, sẽ thiệt hại về kinh phí đầu tư, thi công rất lớn nếu tình hình phức tạp còn kéo dài…

Ngày 7-6-2016, chúng tôi trở lại công trường triển khai dự án tại khu vực thôn Tà Lang, tình hình vẫn chưa có gì khả quan, mọi việc hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Văn Soạn, cán bộ phụ trách thi công gói thầu số 9 cho biết: Ngay cả Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh, là đơn vị phụ trách toàn tuyến đường này cũng nhận thấy vướng mắc trên là rất khó giải quyết. Còn đối với đơn vị thi công, thì bàn giao mặt bằng đến đâu,  triển khai thi công đến đó, mùa mưa lũ đã sắp đến nơi, việc thi công sẽ gặp khó khăn. Có thể khẳng định, cái "mốc" của kế hoạch, vào giữa năm 2017 sẽ hoàn thành dự án là khó có thể thực hiện...!

Theo bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, Trung tâm phát triển quỹ đất Đà Nẵng đã đưa ra 2 phương án đền bù để người dân lựa chọn. Đối với hộ  đồng bào dân tộc Cơ Tu, nhận 140 triệu đồng hoặc nhận 500m2 đất ở khu tái định cư (TĐC). Đối với hộ người Kinh, nhận 100 triệu đồng hoặc 300m2 đất ở khu TĐC.  Xã Hòa Bắc có 30 hộ dân phải di dời thuộc thôn Tà Làng và Giàn Bí,  hiện 17 hộ dân đã nhận tiền đền bù hoặc đăng ký đất TĐC,  còn 13 hộ dân chưa được nhận tiền, cũng chưa đăng ký đất TĐC. Cũng trong ngày 7-6-2016, bà Lê Thị Thu Hà cho biết, thành phố đã quyết định hỗ trợ cho  mỗi hộ dân di dời giải tỏa  số tiền 3 triệu đồng một tháng, để người dân thuê nhà, hoặc làm nhà tạm để sinh sống trước khi có đất ở khu TĐC mới. Khu TĐC mới được quy hoạch ở thôn Giàn Bí đã triển khai xong phương án đền bù đất đai cho 42 hộ dân, trên diện tích 8,7 ha. Tuy nhiên vào thời gian nào sẽ tiến hành triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, thì bà Hà không nắm được (!?).  Hiện tại, trong 13 hộ dân nêu trên, đã có 4 hộ nhận tiền đền bù, còn 9 hộ chưa nhận tiền, cũng chưa đăng ký đất tái định cư. Tuy nhiên, đến ngày 30-6-2016, toàn bộ 13 hộ dân phải di dời để trả mặt bằng cho dự án. UBND xã cũng đã có ý kiến đề nghị thành phố hỗ trợ thêm cho người dân khi di dời tới khu TĐC, để ổn định cuộc sống sau này...

Gặp gỡ với các hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù, chưa đăng ký đất TĐC, chúng tôi đều nghe bà con trăn trở: Mặc dù Nhà nước sẽ hỗ trợ cho 3 triệu đồng một tháng để thuê nhà, hoặc làm nhà tạm để ở, nhưng trên thực tế ở Tà Lang, Giàn Bí việc thuê nhà là hoàn toàn không thể.  Một số hộ có thể về ở tạm với gia đình người thân, nhưng cũng rất khó khăn, vì hầu hết đều là các hộ nghèo, nhà cửa chật hẹp, sinh hoạt sẽ rất bất tiện. Còn nếu làm nhà tạm đâu đó trong khu vực bằng vật liệu nhà cũ, thì cũng cần phải bỏ ra một khoản kinh phí để dựng nhà, nhưng điều quan trọng là nguồn nước sinh hoạt không có, nguồn điện sinh hoạt sẽ kéo ra sao, vệ sinh môi trường sẽ phức tạp vì tất cả đều tạm bợ… Hơn nữa cuộc sống tạm bợ như vậy sẽ kéo dài đến bao lâu, khi khu TĐC hiện nay còn chưa triển khai, trong khi mùa mưa lũ sắp đến?

Rõ ràng những trăn trở của người dân là rất xác đáng. Đáng lẽ công tác bố trí TĐC cho người dân phải được tiến hành song song với công tác giải tỏa đền bù ngay từ khi triển khai dự án, nhưng hiện nay khu TĐC vẫn còn nằm trong "kế hoạch",  thì tâm lý bất an đối với người dân, nhất là đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn như ở thôn Tà Lang, là không thể tránh khỏi.

Việc ổn định đời sống cho người dân ở thôn Tà Lang sau khi di dời giải tỏa, rất cần sự chung tay góp sức của toàn thể xã hội, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể... Không thể để người dân tự giải quyết cuộc sống.

Hồng Thanh