Không được lãng quên!

Thứ ba, 26/07/2016 10:05

(Cadn.com.vn) - Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó Duy Xuyên, Quảng Nam, nhưng tôi sống xa quê hương đã 50 năm rồi. Từ ngày nghỉ hưu, nhiều lần trong năm, tôi về thăm nơi cắt rốn chôn nhau của mình. Lúc đi một mình, lúc thì cùng cháu con, nhưng lần nào cũng vậy tôi đều ghé nhà bia tưởng niệm thuộc thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, H. Duy Xuyên nằm cạnh Tỉnh lộ 610 (từ Nam Phước đi Thánh địa Mỹ Sơn) để thắp hương tưởng nhớ những người đã mất. Nơi đó ghi danh những người con của thôn Thanh Châu đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mọi người cứ thử hình dung, một thôn có chiều dài dọc theo Tỉnh lộ 610 chừng 2 cây số, mà có tới 295 liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh, và cũng ở đó thôi, Nhà nước đã vinh danh 47 Mẹ Việt nam Anh hùng, thì sự mất mát hy  sinh của nhân dân quê tôi nơi đây khủng khiếp đến chừng nào!

Khách qua đây, nếu không tìm hiểu, ít ai có thể biết được rằng, cách nhà bia tưởng niệm này chừng vài ba chục mét về hướng Tây, đúng 50 năm trước, tại vườn nhà bà Xã Dẫn ( bà Lê Thị Dẫn-bà Ngoại tôi) vào trưa 27-3-1966 (mồng 6 tháng 3 âm lịch) đã xảy ra một vụ tàn sát đẫm máu của lính Mỹ trong trận càn năm đó. Trong vòng năm mười phút giữa trưa hè nóng bức, không khí ngột ngạt bởi nhà đang cháy, bởi khói bom và đạn đại bác chưa tan hết, tiếng súng tiểu liên vẫn liên tục vang lên đâu đó quanh làng, mấy tên lính Mỹ lăm lăm súng đạn trên tay, miệng la hét, mà không ai hiểu chúng nói gì. Bỗng nhiên, hai tên lính da đen xả súng vào những người thân và bà con hàng xóm của tôi vừa mới từ dưới hầm trú ẩn bước lên. Họ là những người già, phụ nữ và trẻ em, trong tay không một tấc sắt, ngoài việc tỏ thái độ ngăn không cho chúng đốt ngôi nhà cuối cùng còn lại. Tôi còn chưa hiểu điều gì đang xảy ra thì ba người thân của tôi (bà Lê Thị Dẫn, ông Lê Quyền và em gái Trần Thị Năm) cùng hai người hàng xóm lớn tuổi và một em bé gái 11 tuổi đã ngã gục trong vũng máu. Xác người la liệt, chị dâu tôi là Hoàng Thị Hương đang mang thai cháu đầu 3 tháng cũng bị thương rất  nặng. Mọi người hốt hoảng, kêu khóc trong tuyệt vọng. Một người hàng xóm của gia đình tôi (bà Sáu Ngãi) lúc đó đang bị thương đổ ruột vừa ôm bụng kêu cứu, vừa cố chạy theo đường giao thông hào trong xóm thì dính ngay một loạt đạn của tên sát nhân chỉ đứng cách đó chừng năm bảy mét. Em gái tôi chết, mắt vẫn lờ đờ nhìn tôi.

Nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát ở thôn Thanh Châu, xã Duy Châu.

Sau giây phút kinh hoàng thì tất thảy mọi người nằm im chờ cho lính Mỹ đi qua và sau đó là vùng dậy chạy, dù không biết chạy đi đâu vì bốn bề là giặc. Không chỉ riêng ở vườn nhà ngoại tôi mà xóm dưới, xóm trên trong thôn đều có người chết. Hai, ba ngày sau, với sự giúp đỡ của cán bộ, du kích xã, nhà tôi và bà con lối xóm mới chôn cất được người thân của mình. Xóm làng tan hoang, vải trắng không có để làm khăn tang. 50 năm qua, tôi vẫn luôn ám ảnh về trận thảm sát hôm đó ở quê nhà. Nó như một cuốn phim kinh dị diễn ra trong đầu mỗi khi nghĩ tới...

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi, những người đã từng đi qua chiến tranh như chúng tôi dần ít đi, cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn hút, không ai còn muốn kể lại những gì đã xảy ra. Nhưng dù thời gian có trôi đi lâu bao nhiêu thì ký ức về chiến tranh cũng không thể nào phai mờ trong tâm thức của thế hệ chúng tôi,  không phải để hận thù, mà để nhất quyết phải đấu tranh ngăn chặn cái ác. Trên quê hương đất nước này không thể một lần nữa xảy ra cảnh tương tự như mấy chục năm về trước. Đã có không ít người Mỹ, người Nhật, người Hàn Quốc, cúi đầu nhận lỗi với nhân dân Việt Nam về những gì mà quân đội của họ đã gây ra cho đất nước này. Nhưng chính thức một lời xin lỗi và thể hiện trách nhiệm bồi thường chiến tranh từ những nhà lãnh đạo chính trị của họ nào đã được công bố!  Giờ đây, chúng ta cũng chứng kiến những hành động trợ giúp cụ thể như rà phá bom mìn, khử độc dioxin, hỗ trợ tìm kiếm hài cốt...

Tôi viết lại những ký ức bi thương thời chiến tranh với mong mỏi một điều là chúng ta không bao giờ được lãng quên quá khứ để biết tôn trọng cuộc sống hòa bình mà mình đang được hưởng, xứng đáng với những mất mát hy sinh của những thế hệ đi trước cho hôm nay và mai sau.

Tiến sĩ Trần Văn Sơn-nguyên Phó ban Cơ yếu Chính phủ