Không gì chắc chắn

Thứ ba, 11/09/2018 10:29

Hơn 1 tháng sau khi ký kết thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ, hai bên cuối cùng đã có cuộc họp cấp cao đầu tiên khi đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đến lục địa già hôm 10-9.

Còn nhớ, trong lần tiếp cận giữa Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 7, việc đạt được thỏa thuận “ngừng chiến” phần nào giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai bên trong những tuần gần đây, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến này đã hoàn toàn kết thúc. Thực tế là, tuyên bố chung nêu trên chỉ mang tính biểu tượng, vẫn rất mơ hồ và thiếu các điều khoản cụ thể mặc dù nó cũng tạo ra tác động ngắn hạn.

Những bất đồng đã quá rõ ràng rồi. Theo thỏa thuận, EU và Mỹ đã đồng ý thảo luận về thuế công nghiệp không tự động, khí tự nhiên hóa lỏng và đậu nành. Nhưng gần đây Mỹ đã nói về việc sẽ gây áp lực cho khối này để mở ra nhiều thị trường hơn cho nông nghiệp Mỹ - vấn đề gây tranh cãi ở Châu Âu.

Bên cạnh đó, EU cũng lo ngại, chính quyền ông Trump sẽ tăng thuế đối với ô-tô, điều này sẽ làm tổn thương một số quốc gia ở lục địa giàu có này, trong đó gồm cả đầu tàu kinh tế Đức. Và các nhà đàm phán Châu Âu hy vọng sẽ đi đến một “thỏa thuận hòa bình” chính thức trong cuộc tranh chấp thương mại hiện tại với Mỹ bằng cách đẩy mạnh các cuộc chiến khó khăn.

Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom có kế hoạch tránh xa các vấn đề nhạy cảm như ô-tô hoặc nông nghiệp và tập trung vào các vấn đề “buồn tẻ” hơn như xuất khẩu thịt bò của Mỹ và các tiêu chuẩn kỹ thuật Châu Âu. Các quan chức EU, tất nhiên, mong muốn đại diện phía Mỹ sẽ thúc đẩy Châu Âu mở cửa thị trường nông nghiệp được bảo hộ để xuất khẩu sang Mỹ, nhưng họ hy vọng không phải bằng cách “hy sinh” ngành công nghiệp ô-tô. Theo nghĩa đó, đề nghị về việc khởi động các cuộc đàm phán về việc tăng cường tiếp cận của Mỹ với hạn ngạch nhập khẩu của Châu Âu đối với thịt bò không có hormone sẽ được xem như là “cành ô liu” cho một số yêu cầu của người Mỹ về nông nghiệp.

Nhưng mối lo về mức thâm hụt thương mại cao giữa hai bên có thể khiến ông  Trump trở nên khó chịu và sẽ nhắc ông hành động táo bạo hơn nữa về áp đặt mức thuế cao ngất ngưỡng như đang diễn ra với Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải tất cả người Châu Âu đều sẵn sàng xoa dịu Mỹ. Một số nhóm kinh doanh ở Đức đã kêu gọi Brussels “tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện với Mỹ phản ánh mục tiêu của Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang bị bỏ rơi.

THANH VĂN