Không gì là không thể

Thứ sáu, 17/04/2015 09:14

(Cadn.com.vn) - Con đường mà Quốc hội Mỹ đang đi - bỏ phiếu thông qua thỏa thuận hạt nhân khung với Iran - đang gặp nhiều trắc trở và khó khăn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều này cũng không đến mức làm suy yếu tham vọng của Tổng thống Barack Obama: đi đến một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Quốc gia Hồi giáo.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Obama nỗ lực chống lại những chỉ trích của Quốc hội - hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát - để đi đến một số thỏa thuận với Iran mà được cả Thượng viện lẫn Hạ viện chấp thuận. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí có bước lùi đáng kể khi phải đối mặt với sức ép từ Quốc hội, theo đó đồng ý ký vào đạo luật mang tính thỏa hiệp trao cho Quốc hội quyền bác bỏ một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran. Tổng thống cho phép Quốc hội ít nhất là 30 ngày để xem xét một thỏa thuận cuối cùng và trong thời gian đó ông sẽ không có quyền bãi bỏ hoặc đình chỉ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Các nhà đàm phán với Iran và P5+1 đang nỗ lực đạt thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót vào ngày 30-6 tới sau khi đã đạt thỏa thuận khung cần thiết. Tuy nhiên, vướng mắc quan trọng hiện nay nằm ở Quốc hội Mỹ - nơi các nghị sĩ không nhất trí với thỏa thuận khung vì cho rằng, Washington đã có nhiều nhượng bộ.

Tehran bác bỏ sức ép từ Quốc hội Mỹ, cho rằng họ đang đàm phán với các cường quốc thế giới chứ không phải các nghị sĩ Mỹ. "Đối tác của chúng ta không phải là Quốc hội hay Thượng viện Mỹ, mà là Nhóm P5+1... Những phát biểu của các nghị sĩ hay những nhân vật cứng rắn của Mỹ không liên quan gì đến chính phủ và đất nước chúng ta...", Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh.

Nhưng nếu Quốc hội cuối cùng bác bỏ thỏa thuận với Iran trong "nghị quyết chung không chấp thuận", Tổng thống Obama vẫn có quyền phủ quyết. Ông chỉ cần kiếm đủ 34 phiếu tại Thượng viện để duy trì quyền phủ quyết của mình và chiếm ưu thế. Các thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ của ông Obama chắc chắn là thà sẵn sàng giúp ông chủ Nhà Trắng hoàn thành "một thành tựu chính sách ngoại giao lịch sử" hơn là để Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát "làm mưa làm gió".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - người dẫn dắt đoàn Mỹ tại bàn đàm phán hạt nhân Iran - cho biết, ông tin tưởng về khả năng thương lượng của ông chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, Đức và Liên minh Châu Âu (EU) cũng bày tỏ lạc quan rằng, Quốc hội Mỹ sẽ không "giết chết" một thỏa thuận mà các bên tìm kiếm 12 năm qua.

Thanh Văn