Không khoan nhượng với các vi phạm về bảo vệ môi trường

Thứ năm, 07/11/2019 11:11

Tại hội nghị giao ban chuyên đề của lực lượng Cảnh sát Môi trường (CSMT) vào sáng 6-11, Đại tá Lê Ngọc Hai-Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng nhấn mạnh: để nâng cao nhận thức của người dân, cần kiên trì tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật. Khi xử lý các vi phạm cũng cần mềm dẻo, hài hòa, nhưng nhất quyết không khoan nhượng đối với các hành vi cố tình, có hệ thống, coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. 

Đại tá Lê Ngọc Hai: "Xử lý vi phạm về môi trường phải tâm phục khẩu phục, cái cuối cùng vẫn là thượng tôn pháp luật, vì cuộc sống của nhân dân".

Mạnh tay với tiếng ồn, thực phẩm bẩn

Trong rất nhiều lĩnh vực về môi trường, vấn nạn tiếng ồn và thực phẩm bẩn là mối quan tâm hàng đầu của Đà Nẵng. Chính vì vậy, trong công tác chuyên môn của CSMT thời gian qua, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chỉ đạo lực lượng mạnh tay với các vi phạm trên 2 lĩnh vực này.

Theo thượng tá Phan Xong- Phó trưởng phòng CSMT, trong 2 tháng qua, chiến dịch ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn theo mệnh lệnh của Giám đốc Công an TP được người dân ủng hộ và đánh giá cao về hiệu quả. Để các cơ sở phát ra tiếng ồn trong sản xuất, kinh doanh và kể cả sinh hoạt "tâm phục khẩu phục", lực lượng chuyên môn của Phòng và Công an các quận huyện bắt đầu bằng việc rà soát, thống kê, lập danh sách và yêu cầu các cá nhân, tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định, không vi phạm pháp luật về tiếng ồn. Sau thời gian này, Công an các đơn vị, địa phương đã đồng loạt ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm. Trong đợt cao điểm thực hiện Mệnh lệnh của Giám đốc Công an TP bắt  đầu từ 1-9 đến nay, lực lượng đã kiểm tra, nhắc nhở hơn 1.000 trường hợp vi phạm,  lập biên bản xử lý 39 trường hợp với số tiền phạt 168 triệu đồng. "Sau 2 tháng triển khai, tình hình ô nhiễm về tiếng ồn trên địa bàn TP đã được cải thiện, có chuyển biến tích cực. Đặc biệt là các nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke, bar, pub... được cấp chính quyền và nhân dân Đà Nẵng ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa tự  giác chấp hành. Công việc này cần kiên trì và quyết liệt", Thượng tá Xong cho biết.

Cũng trong 10 tháng qua, lực lượng CSMT đã phối hợp BQL An toàn thực phẩm (ATTP) xác minh, xử lý vụ 9 du khách bị ngộ độc tại cơ sở ẩm thực Trần; rà soát, kiểm tra tình trạng sử dụng Natri Benzoat (hóa chất ngoài danh mục cho phép) trong chả chín và sản xuất nem bị nhiễm vi sinh vượt quy chuẩn; sản xuất bánh kẹo Trung thu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cạnh đó là góp phần kiểm soát tốt tình trạng dịch tả lợn châu Phi cũng như các nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước đá, nước uống đóng chai. Qua công tác kiểm tra, Phòng CSMT đã xử phạt 7 trường hợp vi phạm về ATTP với số tiền gần 39 triệu, công an các quận huyện phạt 31 trường hợp với số tiền 206 triệu đồng.

CSMT, Cảnh sát Khu vực lập biên bản vi phạm về tiếng ồn của quán cà phê ca nhạc trên đường Lê Duẩn, có sự chứng kiến của đại diện tổ trưởng dân phố.

Không cứng nhắc, nhưng cũng không khoan nhượng!

Theo Đại tá Trần Thanh Nhơn- Trưởng phòng CSMT Công an TP Đà Nẵng, lĩnh vực môi trường rất đa dạng, nhiều lĩnh vực nên cũng có nhiều hình thức vi phạm. Việc đầu tiên cần làm chính là tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để các cá nhân, tổ chức hiểu rõ, còn việc xử lý buộc phải thực hiện khi người ta hiểu nhưng không chấp hành, cố tình vi phạm. "Không phải tự nhiên mà cơ quan chức năng xử phạt một cá nhân, tổ chức vi phạm. Củng cố hồ sơ để xử lý tâm phục khẩu phục không phải là điều đơn giản. Mềm dẻo có, hài hòa có nhưng khi cần thiết thì phải cương quyết, đúng quy định của pháp luật", Đại tá Nhơn cho hay.

Theo đánh giá của Đại tá Lê Ngọc Hai, trong tình hình mới, công tác phòng chống tội phạm về môi trường sẽ rất khó khăn, không chỉ vì đây là một lĩnh vực phức tạp nói chung mà đối với mục tiêu xây dựng "thành phố môi trường" của Đà Nẵng, công việc này càng hết sức quan trọng. Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, chủ trương quyết liệt về xử lý tiếng ồn của lực lượng Công an trong thời gian qua được các cấp chính quyền và nhân dân hưởng ứng. "Ô nhiễm về tiếng ồn là rất khó xử lý, nhưng bước đầu chúng ta đã làm được. Nhiều cán bộ hưu trí gọi điện cho Giám đốc khen ngợi về việc này. Nghĩa là nếu giải quyết được những bức xúc trong đời sống của nhân dân thì sẽ được ủng hộ. Chúng ta cần tranh thủ sự đồng hành của chính quyền cơ sở, các ban ngành đoàn thể để mạnh tay với vấn nạn tiếng ồn, đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn", Đại tá Lê Ngọc Hai nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng thừa nhận, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm, kể cả lĩnh vực tiếng ồn, xả thải, an toàn thực phẩm không phải là công việc đơn giản trong bối cảnh hạn chế về trang thiết bị, con người. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của UBND TP, lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là có sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thì chắc chắn sẽ có rất nhiều thuận lợi. "Nhiều khi xử lý chỗ này thì người ta hỏi vì sao chỗ kia không xử lý, còn thuê luật sư đòi kiện nữa. Rồi ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, tình làng nghĩa xóm. Mình cũng không phải không nghĩ đến điều đó, cho nên bắt đầu bằng việc nhắc nhở, tuyên truyền, nhưng không chấp hành thì phải xử lý cứng rắn. Mình làm tâm phục khẩu phục, cái cuối cùng vẫn là thượng tôn pháp luật, vì cuộc sống của nhân dân", Đại tá Lê Ngọc Hai khẳng định.

CÔNG KHANH

Trong 10 tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát Môi trường thu, bảo quản 55 mẫu môi trường gồm 25 mẫu nước thải, 19 mẫu thực phẩm, 11 vụ tiếng ồn. Trong số này, đơn vị trực tiếp kiểm định 25 mẫu với 57 chỉ tiêu, gửi cơ quan chức năng kiểm định 30 mẫu với 91 chỉ tiêu. Việc kiểm định đã phát hiện 5 mẫu nước đá, 1 mẫu nem chả không đảm bảo quy chuẩn; từ đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ với tổng số tiền 30 triệu đồng.