“Không mợ, chợ vẫn đông”

Thứ sáu, 20/10/2017 09:21

Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đang có nguy cơ bị xé bỏ khi Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước đã không xác nhận Tehran đang tuân thủ thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo ông cuối cùng có thể “giết chết” nó.

Bóng đang ở bên sân Quốc hội khi Tổng thống Trump đã đẩy số phận của JCPOA cho các nghị sĩ Mỹ quyết định, kèm theo “tối hậu thư” yêu cầu Đồi Capitol giải quyết “những điểm sai lầm nghiêm trọng” trong thỏa thuận này. Nhiều người vẫn lạc quan cho rằng, các nghị sĩ Mỹ sẽ không xé bỏ thỏa thuận này, vốn được cho là di sản để đời của Tổng thống Barack Obama và đang được tất cả các bên tuân thủ.

Nhưng nhiều người vẫn lo sợ một kịch bản xấu nhất cho JCPOA. Tuy nhiên, vẫn có một lối đi riêng cho thỏa thuận này. Nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận này vẫn có thể được duy trì ngay cả khi Mỹ rút đi nếu như những bên còn lại có thể hỗ trợ đầy đủ để giúp duy trì thỏa thuận. Tất nhiên, nếu Mỹ rút lui, tương lai của JCPOA sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các bên còn lại.

Trên thực tế, Liên minh Châu Âu (EU) có đủ tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế để thuyết phục Tehran tuân thủ thỏa thuận này. Một cơ chế kín 6 bên bao gồm EU, Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc có thể hỗ trợ Iran đủ để nước này tiếp tục duy trì và tuân thủ các nghĩa vụ của thỏa thuận, bất chấp cả những sự phản đối gay gắt nhất.

Ngoài ra, các nước này cũng phải bù đắp được những thiệt hại về kinh tế mà Iran phải gánh chịu do Mỹ từ bỏ, đồng thời phải đối phó với những lệnh trừng phạt mà Mỹ có thể áp đặt nhằm vào những Cty phương Tây, Nga và Trung Quốc làm ăn với Iran, trái với mong muốn của Washington.

Nhưng rồi, họ sẽ được hưởng “hoa thơm quả ngọt”, còn Mỹ lúc đó sẽ rơi vào thế đối đầu với các đồng minh lâu năm thân cận nhất của họ. Đó là một cuộc chiến kinh tế khó khăn với các nước đồng minh, khi Mỹ phải chứng kiến những nước này bắt tay với hai đối thủ là Nga và Trung Quốc. Đó là chưa kể những thiệt hại đáng kể về mặt chính trị.

THANH VĂN