Không vì thiếu đá xây dựng mà “giật gấu vá vai”!

Thứ ba, 13/09/2022 17:04
Nhiều công trình lớn đồng loạt triển khai khiến nhu cầu đá xây dựng ở Đà Nẵng tăng cao, các mỏ đá còn giấy phép hoạt động không đáp ứng đủ. Nhiều chủ mỏ đá xin gia hạn giấy phép, tăng công suất khai thác để giải “cơn khát” nguồn cung đá xây dựng trước mắt. Tuy vậy, giải pháp này phải thận trọng, không thể “giật gấu vá vai” vì nhiều hệ lụy khó lường.
Máy móc, phương tiện trong mỏ đá Phước Tường dừng khai thác 2 năm nay nhưng đá thương phẩm vẫn còn, chủ mỏ đang xin gia hạn giấy phép.
Nhiều công trình dự án lớn đồng loạt triển khai cần nhu cầu nguồn cung lớn về đá xây dựng.

Đà Nẵng đang thúc tiến độ nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường Tuyên Sơn -Túy Loan, đường Vành đai phía Tây, đường Vành đai phía Tây 2, đường DT 601… do đó cần khối lượng đá xây dựng lớn. Chưa kể, một số dự án sắp triển khai như đường nối cảng Liên Chiểu lên đường tránh Nam Hải Vân, đường Nguyễn Tất Thành nối cảng Liên Chiểu, đặc biệt dự án bến cảng Liên Chiểu cần khoảng 1 triệu m3 đá. Với các dự án đồng loạt triển khai, dự kiến từ năm 2023, mỗi năm Đà Nẵng cần khoảng 1,7 triệu m3 đá xây dựng. Trong khi hiện nay TP có 10 mỏ khai thác đá còn giấy phép hoạt động với trữ lượng khai thác đạt khoảng 800 ngàn m3/năm. Như vậy, mỗi năm các dự án ở Đà Nẵng còn thiếu tối đa khoảng 900 ngàn m3 đá.

Nhiều nhà thầu xây dựng giao thông tại Đà Nẵng chia sẻ, do thiếu nguồn cung dẫn tới giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhất là vật liệu san lấp, đá xây dựng. Đại diện nhà thầu thi công đường vành đai phía Tây chia sẻ, 2 năm qua dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ công trình, năm nay thi công trở lại thì giá vật liệu đã tăng lên trung bình khoảng 30% so với giá trúng thầu khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Cũng do 2 năm dịch bệnh, các dự án xây dựng “chậm lại” nên dù nhiều mỏ đá đã đóng cửa, ngừng khai thác, khối lượng đá thành phẩm vẫn còn tồn đọng. Vì thế, từ năm 2022 nhiều dự án trọng điểm “chạy” tiến độ, nguồn cung đá xây dựng vẫn đảm bảo, tuy có tăng giá. Kể từ năm 2023, nguồn đá xây dựng dự trữ đã hết, số lượng công trình dự án tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đá xây dựng rất lớn.

Cần thận trọng khi cho các mỏ đá tăng công suất, gia hạn thời gian khai thác.

Tại mỏ đá Phước Tường (Hòa Phát, Cẩm Lệ) của Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng mặc dù đã dừng khai thác từ giữa năm 2020 nhưng khối lượng đá thành phẩm trong mỏ còn rất lớn. Khi các công trình xây dựng có nhu cầu đá vẫn được vận chuyển ra khỏi mỏ. Theo giấy phép khai thác cũ, mỏ đá này có diện tích khai thác 30,6 ha, trữ lượng đưa vào khai thác hơn 2,3 triệu m3, công suất khai thác 128 ngàn m3 đá nguyên khối/năm. Hiện các phương tiện khai thác như máy móc, băng chuyền đã rỉ rét do dừng khai thác, phơi nắng mưa 2 năm qua, tuy vậy chủ mỏ vẫn đang làm thủ tục xin gia hạn giấy phép để hoạt động khai thác trở lại.

Theo đại diện chủ mỏ, trong thời gian còn hạn khai thác, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên công ty gặp nhiều khó khăn, vì thế đề nghị gia hạn thời gian khai thác. Tương tự, một số chủ mỏ đá dù đã hết thời hạn khai thác trong giấy phép, đang tiến hành phục hồi môi trường mỏ cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu đá xây dựng trong ngắn hạn cần cho phép các mỏ đã sẵn có được gia hạn. Lý do, để một mỏ đá có thể đưa vào khai thác, cung cấp nguồn vật liệu xây dựng phải kéo dài vài năm, từ lúc thăm dò, xin giấy phép, làm đường công vụ vào mỏ, chuẩn bị nhân lực, phương tiện…

Máy móc, phương tiện trong mỏ đá Phước Tường dừng khai thác 2 năm nay nhưng đá thương phẩm vẫn còn, chủ mỏ đang xin gia hạn giấy phép.

Ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hòa Phát cho biết, ngày 2-8 vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn lấy ý kiến địa phương liên quan đến việc gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá Phước Tường. Ngay sau đó phường đã tổ chức lấy ý kiến các hộ dân thì 100% không đồng ý gia hạn. Theo người dân những năm trước khi mỏ đá chưa dừng khai thác người dân ở đây đã chứng kiến mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiếng nổ mìn, máy xay nghiền đá, xe máy ầm ĩ, nhà ở hư hỏng xuống cấp nhanh, các cháu học sinh ảnh hưởng học tập, người dân bị bệnh hô hấp, lao phổi… một số gia đình phải tìm đi nơi khác. Nay nếu gia hạn giấy phép cho mỏ đá hoạt động lại sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của khoảng 600 hộ dân. Theo ông Tuấn, bên cạnh việc báo cáo ý kiến của người dân, không thống nhất việc gia hạn mỏ, chính quyền phường cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc tận thu đá của mỏ đá, xem xét việc dừng tận thu; kiểm tra xử lý hệ thống thoát nước từ trên núi chảy xuống ứ đọng tại các khu vực trũng của mỏ đá dẫn đến ảnh hưởng môi trường, dịch bệnh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn đá xây dựng, trước mắt sẽ cho phép một số mỏ đá vừa có trữ lượng còn lại lớn vừa có công suất <100.000 m3/năm (mỏ Hố Bạc 3, mỏ Phước Thuận, mỏ Phước Nhân) được nâng công suất khai thác, tối đa là 200.000m3/năm. Tiếp đến, cho phép gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đến hết năm 2025 với một số mỏ như Hố Bạc 3, Suối Mơ II… tại Hòa Nhơn để bổ sung thêm sản lượng đá hàng năm khoảng 352 ngàn m3. Cấp Giấy phép khai thác mỏ đá Hốc Khế, Hốc Khế 1, xã Hòa Nhơn và xã Hòa Khương. Về lâu dài, Đà Nẵng đã quy hoạch thăm dò, khai thác đá tại 14 khu vực với diện tích rộng hơn 550 ha, tổng trữ lượng đá hơn 84 triệu m3.

Việc cho các mỏ nâng công suất khai thác hay gia hạn thời gian khai thác có thể giải quyết nhu cầu nguồn cung đá xây dựng trước mắt tuy nhiên sẽ để lại nhiều hệ lụy, nhất là tác động đến môi trường, xã hội cũng như việc phục hồi môi trường sau này.

HẢI QUỲNH