Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: “Những người nằm lại phía chân trời”!

Thứ năm, 02/11/2017 09:29

Những ngày tham gia Trại sáng tác VHNT tại tỉnh Khánh Hòa vừa qua, tôi có dịp tham quan Công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tri ân 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 (khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 15-7-2017) nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, H.Cam Lâm. Công trình được đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước đóng góp kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Tuy chưa chính thức đón khách nhưng hiện nay vẫn thường xuyên có các đoàn khách đến để tri ân và chụp hình lưu niệm.  Hiện công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm 5 hạng mục chính thể hiện “Hành trình khát vọng” yêu hòa bình và tôn trọng chân lý của dân tộc Việt Nam. Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm bằng đá hoa cương xây dựng trên đồi cát cao hướng ra Biển Đông là hình tượng 9 người lính đã nằm lại phía chân trời giữa từng lớp sóng xô, sau lưng vẫn hiên ngang cờ Tổ quốc. Khu trưng bày gồm các hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), quảng trường Hòa Bình, bảo tàng lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh về các chiến sĩ và trận hải chiến cách đây gần 30 năm… Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, tác giả cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" cho biết, đây là bức tượng có ý nghĩa đặc biệt đối với ông. Tượng được giới chuyên môn đánh giá cao về ý tưởng, bố cục, nghệ thuật tạo hình. Công trình không những có ý nghĩa về lịch sử mà còn có ý nghĩa về tâm linh. Đồng bào cả nước luôn luôn hướng về biển đảo quê hương, đặc biệt là sự kiện Gạc Ma nên càng thôi thúc ông làm công trình này. Ông cho biết, hễ nhớ tới sự kiện này là không khỏi bồi hồi. Thế nên, từ lâu ông ấp ủ ý muốn sáng tạo để ghi dấu sự kiện lịch sử này và nhắc nhớ về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sự vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió và tình yêu vô bờ bến mà các anh hùng liệt sĩ đã dành cho non sông Việt Nam.

Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”.

Hôm  chúng tôi đến, gian phòng đón khách từ đầu cổng vẫn còn nguyên tấm băng-rôn với dòng chữ “Lễ khánh thành khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma”. Nơi đây, hầu như chưa triển khai bộ máy làm việc, hướng dẫn khách tham quan. Tuy nhiên, từ nơi bậc thềm của cụm tượng đài vẫn có những lẵng hoa tươi của các đoàn khách vừa ghé qua viếng thăm. Ông Võ Duy Trúc-Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Quản lý lâm thời Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, thời gian qua, tuy chưa chính thức đón khách, nhưng vẫn có một số đoàn khách đến đây tri ân và chụp hình lưu niệm. Trong hai tháng đầu sau khi khánh thành, đã có hơn  94 đoàn khách trong nước với hơn 9.000 lượt người vào dâng hương tưởng niệm. Nhằm phát huy giá trị của khu tưởng niệm, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ xây dựng đề án cụ thể về các hoạt động ở đây, trong đó có vấn đề đón khách du lịch đến tham quan. Để việc đón khách được chu đáo, nơi đây cần có đội ngũ nhân viên đón tiếp, hướng dẫn viên, thuyết minh giới thiệu về điểm đến cũng như hoàn thiện các thông tin liên quan để cung cấp cho khách.

Lãnh đạo Chi nhánh Saigontouris tại Nha Trang cho biết, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có không gian kiến trúc đẹp, vị trí thuận lợi phù hợp với chương trình tour du lịch đưa khách đến Nha Trang - Khánh Hòa của Saigontouris. Ngay bước đầu, Saigontouris đã đưa một số đoàn đến đây và nhận được phản hồi tốt. Thời gian tới, việc đưa khách đến địa chỉ tham quan này sẽ được công ty thực hiện thường xuyên hơn. Một người bạn trẻ công tác tại Nha Trang đi cùng nói với chúng chúng tôi: “Khu tưởng niệm nằm trên trục đường đi từ Sân bay quốc tế Cam Ranh về Nha Trang nên việc các doanh nghiệp nghiên cứu, tổ chức các tour khách đến đây để khách vừa tham quan vừa tìm hiểu lịch sử là rất tốt. Bên cạnh đó, đây cũng là một địa chỉ phù hợp với các chương trình tour tham quan dã ngoại dành cho đối tượng học sinh, sinh viên”…

Cần nhắc lại, sự kiện Gạc Ma với hình bóng của 64 người lính hải quân nằm lại giữa trùng dương vào buổi bình minh của ngày 14-3-1988 vẫn chưa bao giờ thôi thổn thức trong tim nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Nhiều năm qua, vào mỗi dịp 14-3, trên cả nước thường xuyên tổ chức lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Tại Đà Nẵng, vào ngày 14-3-2017 vừa qua, Hội cán bộ chiến sĩ Trường Sa 83 chiến dịch CQ88 cũng đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ thuộc lữ đoàn vận tải Hải quân (E83) tại đảo Gạc Ma. Trong số 64 người hy sinh, Đà Nẵng có 9 người con mãi mãi nằm lại biển đảo nơi này. Ban liên lạc Trường Sa tại TP Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 cũng cho biết, các cựu chiến binh Trường Sa, nhất là những đồng đội tham gia chiến dịch CQ88 thường xuyên động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường. Ban Liên lạc Trường Sa tại Đà Nẵng hoạt động rất tốt, luôn luôn chăm sóc, thăm hỏi gia đình 9 liệt sĩ ở Đà Nẵng. Hàng năm cứ vào ngày 14-3, chúng tôi thả hoa đăng, gặp mặt những anh em tham gia chiến dịch CQ88 năm đó. Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma là một điểm tựa của sự tri ân và lòng tưởng nhớ. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng của lòng bất khuất nhắc nhở với hôm nay, với mai sau rằng quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo thuộc Trường Sa là của Việt Nam.

TRẦN TRUNG SÁNG

Theo thiết kế, cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” có chiều cao tổng thể 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m được bố trí nằm dưới hồ nước, thân tượng đài cao 13,75m. Tượng đài được cách điệu hình ảnh 9 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh với bố cục tự nhiên nổi bật chiến sĩ ôm chặt lá cờ giữa biển cả nhằm thể hiện sự đồng tâm hiệp lực quyết một lòng bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc. Đài tượng là một vòng tròn lớn, trên đó cách điệu sóng nước và những áng mây như cánh chim Lạc vừa mang ý nghĩa mặt trời chân lý khẳng định việc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng là chính nghĩa và cao cả, vừa thể hiện sự thắt chặt đoàn kết quyết tâm đồng lòng của các chiến sĩ cụm đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của đất nước tại đảo Gạc Ma năm 1988...