Khúc ca Mẹ Việt Nam anh hùng và bi tráng nhất (*)
(Cadn.com.vn) - Một người đàn bà Việt Nam chịu thương chịu khó, tần tảo bên lũy tre làng cháy sém đạn bom mà cuộc đời là khúc ca vừa anh hùng, vừa bi tráng. Anh hùng bởi lòng yêu nước quật cường, bất khuất. Bi tráng bởi sự mất mát lớn lao ngoài sức chịu đựng bình thường của một con người. Người đàn bà đó tên là Nguyễn Thị Thứ, quê ở xóm Rừng, xã Điện Thắng, H. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mà mọi người vẫn quen gọi là “Mẹ Thứ”. Mẹ Thứ sinh ngày 14-4-1904 và mất ngày 10-12-2011, hưởng thọ 107 tuổi, trở thành biểu tượng của một sức sống mãnh liệt, khó ai có thể vượt qua.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bởi Mẹ đã tận hiến cho Tổ quốc tính mạng của 9 người con ruột thịt, một con rể và hai cháu ngoại. Thật khó mà giải mã để hiểu hết sức chịu đựng phi thường của một người mẹ. Chính điều đó đã tạo ra sự xúc động sâu sắc cho những ai từng biết đến người đàn bà bước qua sự nghiệt ngã của cuộc chiến tranh và trở thành bất tử trong lòng dân tộc. Chân dung mẹ Thứ là nguyên mẫu của hệ thống tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng được xây dựng tại núi Cấm, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Mẹ Thứ lúc sinh thời và nhà thơ Lê Anh Dũng. |
Có thể nói, một trong những văn nghệ sĩ gặp mẹ Thứ nhiều nhất khi mẹ còn sống là nhà báo, nhà thơ, đại tá Lê Anh Dũng. Quê anh ở Điện Bàn, mỗi lần về quê anh lại tạt qua Thanh Quýt chơi với bạn bè và thăm mẹ Thứ, để thắp vài nén nhang tri ân trước vong linh của những liệt sĩ. Bạn bè, người quen bốn phương đến Đà Nẵng cũng thường nhờ anh đưa đi thăm mẹ Thứ.
Trong công việc của mình, trước hết Lê Anh Dũng tìm hiểu và viết nhiều tin bài về mẹ Thứ để giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài nước. Nhưng bằng trái tim nhạy cảm vốn có của một nhà thơ, anh là người khắc họa thành công hình ảnh của mẹ Thứ trong thơ ca làm lay động trái tim bao người. Tập thơ “đầu tay” của Lê Anh Dũng là một trường ca lấy cuộc đời mẹ Thứ làm mẫu. Trường ca có tựa đề “Thưa mẹ, phía trăng lên” (2003). Với trường ca này, khi được nhờ biên tập bản thảo, nhà thơ Thu Bồn từng nói rằng: “Mày đã giúp tao trả nợ cho chính quê hương Điện Thắng của mình...”. Lời nói này của cây đại thụ trường ca “Chim Chrao” là ghi nhận sự thành công của Lê Anh Dũng trong bút pháp viết trường ca.
Nay, sau 10 năm, Lê Anh Dũng lại cho trình làng tập sách mới về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ với tên sách vừa giản dị, vừa gần gũi là “Mẹ Thứ”. Đây có thể xem là “tuyển tập” của Lê Anh Dũng viết về mẹ Thứ bằng tất cả tấm lòng, bằng sự tiếp cận nhiều mặt cuộc sống đời thường trong nỗi đau người mẹ bước qua sự tàn khốc của chiến tranh.
Phần thơ là trường ca đã viết, tái hiện trong phần “Thưa mẹ” cùng với những bài thơ khác gieo vào lòng người đọc cảm giác bồi hồi khi lật từng trang sách. Các bài thơ gồm: “Mẹ thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Mây trắng về trời”, “Chiều cuối năm, nhớ mẹ Thứ”, “Ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn”, “Có một bảo tàng trong lòng mẹ Thứ”...
Hình ảnh nhân vật Mẹ Anh hùng hiện ra bằng những nét thân quen giữa một vùng quê hãy còn nghèo khó. Chinh chiến đi qua, các con thì đã xa, chỉ còn mỗi mẹ với bóng ngày chầm chậm trôi qua: “Chõng tre/ Đêm hè/ Mẹ nằm yên/ Lặng nghe/ Kẽo kẹt cửa/ Ai như tiếng các con về/ Ngọn gió hờ/ Đùa mẹ suốt năm canh/ Trên thế giới xưa nay/ Bao cuộc chiến tranh/ Có người mẹ nào như mẹ?” (Thưa Mẹ).
“Mẹ lững thững góc sân/ Trong hương ổi xưa thấy chồng mình vun gốc/ Những chạc, nhánh mòn dấu chân con cháu/ Mối tình xưa thấp thoáng hiện về/ Mẹ tựa vào hàng tre xưa/ Lòng nghe nhoi nhói/ Gốc tre già khô ở lại/ Những búp măng vội vã lìa đời ?!” (Thưa mẹ).
Người đọc làm sao không nao lòng, xúc động khi bắt gặp hình ảnh của một bà mẹ già lặng lẽ bên bờ chiều cuối năm, lúc mọi nhà đang quây quần, ấm cúng: “Mẹ ngồi bên chín bát hương/ Chín bát cơm cúng niềm thương dâng đầy/ Chiều cuối năm khói hương bay/ Tràn sang mắt mẹ cay cay phận người/ Lá vàng đậu, lá xanh rơi/ Mẹ như cau héo bên cơi trầu già...” (Chiều cuối năm, nhớ mẹ Thứ).
Khi mẹ bước qua trăm tuổi cỡi hạt về trời, tiếng lòng thảng thốt, đau thương của tác giả và cũng là tiếng lòng chung của những ai yêu quý mẹ: “Mẹ ơi, mây trắng về trời/ Thơ con chưa nói hết lời mẹ thương/ Bao năm mỏi mắt sân vườn/ Bao lần ngất lịm đoạn trường vì con...” (Mây trắng về trời).
Phần văn là các bài viết góp phần khắc họa chân dung và cung cấp thêm nhiều thông tin về cuộc đời của mẹ Thứ mà phần thơ không thể nào đảm nhận hết. 4 bài viết trong phần văn gồm: “Người mẹ đất Quảng”, “Mẹ Thứ giữa đời thường”, “Mẹ Thứ”, “Bao niềm tiếc thương Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ”. Trong các bài viết này, tuy nhiều phần mang tính thông tin báo chí, nhưng cũng có những đoạn mà “chất văn”, xen lẫn với “chất thơ” của anh mang lại cho người đọc những cảm xúc lắng sâu, đồng điệu, bởi sự khắc họa tinh tế về một chân dung bằng xương bằng thịt đang hiện hữu mong manh giữa đời thường.
Phần nhạc trong sách có bài hát “Mẹ của ngàn đời”, do nhạc sĩ Nguyễn Đức phổ thơ Lê Anh Dũng. Đặc biệt trong phần nhạc là bản “Trường ca Mẹ Việt Nam anh hùng” được nhạc sĩ Phan Ngọc dày công biên soạn từ trường ca của Lê Anh Dũng. Bản trường ca gồm 4 chương: Chương I: Mẹ VN anh hùng (Hợp xướng nam nữ). Chương II: Những người con của mẹ (Tốp ca nam nữ). Chương III: Khúc hát ru của mẹ (Đơn ca nữ - tốp nữ đệm). Chương IV: Mẹ Việt Nam lồng lộng tượng đài (Hợp xướng nam nữ). Sự đồng cảm, chia sẻ này của các tác giả âm nhạc góp phần thành công cho tập thơ văn viết về mẹ Thứ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và bi tráng nhất.
Mai Hữu Phước
(*) (Đọc “Mẹ Thứ” của Lê Anh Dũng - Nxb Quân Đội Nhân dân-10/2013)