Khủng bố Duy Ngô Nhĩ lan rộng toàn cầu

Thứ ba, 13/09/2016 09:33

(Cadn.com.vn) - Hôm 30-8, Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan bị một kẻ đánh bom tự sát lái một chiếc Mitsubishi Delica chất đầy thuốc nổ xông thẳng vào cửa an ninh, khiến 2 nhân viên bảo vệ và 3 nhân viên Đại sứ quán bị thương. Vụ tấn công ở Kyrgyzstan là những gì Bắc Kinh đã lo sợ từ lâu: các phần tử phiến quân Duy Ngô Nhĩ đã hoạt động trên mạng lưới toàn cầu.

Trong khi chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công, Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Jenish Razakov cho rằng đó là hành động của "những kẻ khủng bố". Bắc Kinh khi đó nhanh chóng yêu cầu chính phủ Kyrgyzstan "thực hiện các biện pháp trước mắt và cần thiết để đảm bảo an toàn của người dân và các tổ chức của Trung Quốc".

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc khẳng định vụ tấn công do những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ gây ra. Li Wei, chuyên gia chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng, nhóm Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) có khả năng thực hiện vụ tấn công. Hôm 6-9, hãng tin AKIpress của Kyrgyzstan cho biết, Ủy ban An ninh quốc gia Nhà nước Kyrgyzstan đã tiết lộ tên nghi phạm. Y là người Duy Ngô Nhĩ, là "thành viên của Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM)" và có hộ chiếu mang quốc tịch Tajikistan. AKIpress cho biết, Izzotillo Mashrapovich Sattybayev, kẻ "được đào tạo thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại tại Syria" đã hỗ trợ kẻ đánh bom này.

Các nhà điều tra tại hiện trường vụ đánh bom bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek.

Đằng sau vụ tấn công

Vụ tấn công này là sản phẩm tất yếu của sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực vốn bị bao vây bởi chủ nghĩa khủng bố. Tờ Global Times cho rằng, "Trung Quốc đã trở thành một thế lực lớn" do đó ngày càng có khả năng "bị lôi kéo vào các tranh chấp quốc tế" và trở thành mục tiêu khủng bố.

Tuy nhiên, các chính sách của Trung Quốc - cả ở Tân Cương, Trung Á và Trung Đông - đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đến lợi ích của Bắc Kinh. Tại Tân Cương, khu vực có đa số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc theo đuổi chính sách kiểm soát chính trị, xã hội và văn hóa chặt chẽ. Mặc dù chính sách này mang lại sự phát triển kinh tế quan trọng trong khu vực, nó cũng dẫn đến sự phản đối dữ dội từ người Duy Ngô Nhĩ. Một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ tìm cách di chuyển ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây.

Hiện diện ở Trung Đông

Trung Quốc cáo buộc ETIM -  nhóm mà Bắc Kinh tuyên bố "nhận hỗ trợ" từ trùm khủng bố Osama bin Laden và được Mỹ thừa nhận là "tổ chức khủng bố quốc tế" vào năm 2002 - và TIP thực hiện vụ tấn công ở Tân Cương. ETIM hiện diện ở Afghanistan từ năm 1998 cho đến sau vụ tấn công 11-9. Sau đó, nhóm chuyển cơ sở vào Waziristan, Pakistan. TIP nổi lên như một tổ chức kế thừa vào năm 2006 và vẫn giữ trụ sở tại Waziristan, liên minh với Taliban tại Pakistan, Al-Qaeda và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU). Từ năm 2012, các quan chức chính phủ Trung Quốc và Syria cho rằng, ETIM và TIP đã hiện diện ở Syria.

Song song với sự phát triển này, các phiến quân người Duy Ngô Nhĩ đã chuyển từ Afghanistan-Pakistan đến Trung Đông. Trong khi chưa thể nói chính xác số người Duy Ngô Nhĩ tham chiến ở Syria, con số này đã tăng lên đáng kể từ năm 2012. Một số có thể quay trở lại Tân Cương, tìm cách gây ảnh hưởng hoặc tuyển mộ những người khác.

An Bình
(Theo Diplomat)