Khủng hoảng chính sách trợ giá gạo: Ván cờ mạo hiểm
(Cadn.com.vn) - Cách giải quyết cuộc khủng hoảng trợ giá gạo được cho là ván bài khó nhằn của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 11-2 thừa nhận không đủ thẩm quyền để “làm mới” chương trình hỗ trợ giá gạo khi đến kỳ hết hạn vào cuối tháng này. Đây là tuyên bố khá mạo hiểm của nữ Thủ tướng, như thêm dầu vào làn sóng tức giận của nông dân trong việc chính phủ chưa thanh toán tiền cho họ.
“Chúng tôi không có quyền”
Vấn đề trợ cấp giá gạo đang là tâm điểm đau đầu mới của Thủ tướng Yingluck, người đang phải đối mặt làn sóng biểu tình đòi bà từ chức của những người dân thành phố lớn, tầng lớp trung lưu, thượng lưu và bảo hoàng.
Tình trạng bất ổn từ những người nông dân vốn ủng hộ bà Yingluck và đảng Peau Thai tại các vùng nông thôn, nơi nhiều nông dân chưa được thanh toán tiền thu mua gạo trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, Thủ tướng Yingluck hiện chỉ đang nắm quyền một chính phủ lâm thời, vốn ra đời kể từ tháng 12-2013, khi bà tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử nhằm nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình đường phố chống chính phủ. Kết quả là, quyền hạn chi tiêu và vay mượn của chính phủ bị cắt giảm được rất nhiều. “Chúng tôi chỉ là một chính phủ lâm thời, không có quyền để mở rộng bất kỳ chính sách nào. Đề án thu mua gạo sẽ tự động kết thúc vào ngày 28-2 tới”, Varathep Rattanakorn, Bộ trưởng trong văn phòng thủ tướng, nói với Reuters.
Chương trình thu mua gạo này là một trong những chính sách dân túy có từ thời anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, hiện vẫn là trung tâm xung đột kéo dài và phân chia người Thái kể từ năm 2006. Cam kết trả cho nông dân với giá cao hơn giá gạo tiêu chuẩn thế giới là bệ đỡ đưa bà Yingluck lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2011. Tuy nhiên, chương trình này đã sa lầy trong những cáo buộc về tham nhũng và những thiệt hại kinh tế khổng lồ.
Trong những tuần gần đây, các ngân hàng lớn từ chối gia hạn các khoản vay bắc cầu để tài trợ chương trình này vì không tin chính phủ có thẩm quyền để gia hạn thêm. Khó khăn càng chồng chất khi Trung Quốc hủy bỏ một thỏa thuận gạo với Bangkok do cuộc điều tra tham nhũng.
Thủ tướng Yingluck có mặt tại trụ sở Không quân Hoàng gia tham dự cuộc họp nội các hôm 11-2. Ảnh: Reuters |
Chính phủ sẽ sớm trả tiền
Để trấn an người dân, Bộ trưởng Tài chính Kittirat Na Ranong hôm 11-2 khẳng định, nông dân cuối cùng sẽ được trả tiền và kêu gọi họ cho chính phủ thêm thời gian để thu xếp nguồn tiền từ ngân hàng.
“Chính phủ tin rằng có thể hoàn tất khoản nợ gạo trong thời gian vài ngày tới. Chúng tôi cần đảm bảo với các thể chế tài chính rằng, khoản nợ này sẽ không vi phạm pháp luật”, ông nói với các phóng viên trước thềm cuộc họp nội các Thái Lan diễn ra hôm 11-2. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Bunsongphaisan cho biết, nội các chấp thuận chi thêm 712 triệu baht (22 triệu USD) từ ngân sách nhà nước để trả cho một số nông dân nhưng việc này cần được Ủy ban Bầu cử (EC) thông qua trước. “Chúng tôi hy vọng EC sẽ sớm phê chuẩn vì đây là vấn đề quan trọng đối với người nông dân”, ông nói với các phóng viên.
Hơn 1.000 nông dân vẫn tiếp tục biểu tình bên ngoài cơ sở tạm thời của chính phủ ở phía bắc Bangkok hôm 11-2 và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch sau cuộc họp giữa đại diện nông dân và các bộ trưởng chính phủ kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Một điều may mắn nhỏ trong cái rủi của bà Yingluck là phong trào biểu tình của nông dân vẫn tách biệt với các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe đối lập vốn diễn ra trong 3 tháng qua.
Những người biểu tình chống chính phủ cáo buộc cựu tài phiệt viễn thông Thaksin phá vỡ nền dân chủ vốn rất mong manh của Thái Lan với các chính sách dân túy như trợ cấp, các khoản vay giá rẻ và chăm sóc sức khỏe để thu hút cử tri nghèo ở phía Bắc và phía Đông Bắc. Một cuộc bầu cử ngày 2-2 diễn ra với hy vọng giúp chấm dứt khủng hoảng chính trị ở quốc gia Chùa Vàng nhưng bị gián đoạn. Mặc dù cho rằng, việc hoàn thành cuộc tổng tuyển cử bị gián đoạn này có thể là bất khả thi và phải tiến hành lại toàn bộ quá trình bỏ phiếu, nhưng EC ngày 11-2 vẫn khẳng định sẽ tìm cách tổ chức bỏ phiếu lại vào ngày 27-4 tới tại các đơn vị bầu cử từng bị người biểu tình chống chính phủ cản trở.
Và dĩ nhiên, một chính phủ mới không thể lên nắm quyền cho đến khi công tác bầu cử lại được hoàn tất.
Khả Anh